Những năm trước đây, các doanh nghiệp (DN) công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa gặp không ít khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Từ khi có sự hỗ trợ của các đề án khuyến công, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã bắt đầu có bước chuyển mình

Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Khánh Hòa (Trung tâm) đã triển khai thực hiện 37 đề án khuyến công nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cơ sở sản xuất xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với tổng kinh phí hơn 5,4 tỷ đồng; 11 đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với các địa phương thực hiện 20 đề án hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công với tổng kinh phí hơn 212 triệu đồng; 6 đề án hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho cơ sở CNNT, kinh phí trên 275 triệu đồng; 14 đề án cung cấp thông tin về chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công với tổng kinh phí 376 triệu đồng.

Riêng năm 2018, với nguồn kinh phí trên 2 tỷ đồng (gồm kinh phí KCQG và KCĐP), Trung tâm thực hiện 19 đề án. Đến nay, nhiều đề án đã hoàn thành, đơn vị thụ hưởng đưa máy móc vào sản xuất, cho sản phẩm năng suất, chất lượng. Điển hình như, đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất men vi sinh probiotic ở Công ty CP Công nghệ sinh phẩm Nam Việt tại cụm công nghiệp Diên Phú, huyện Diên Khánh; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào quy trình sản xuất nem chua tại Công ty TNHH Khanhfood (xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh)….

Ông Hoàng Trọng Tứ - Giám đốc Công ty TNHH Việt Pháp cho biết: “Nguồn hỗ trợ từ chương trình khuyến công đã đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Từ nguồn hỗ trợ, Công ty chúng tôi đã đầu tư máy móc để có thể sản xuất 1.500 sản phẩm vận động cho trẻ em/năm; phục vụ thị trường ngày càng tăng, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu ở địa phương. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho 150 lao động”.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Khánh Hòa, nội dung các đề án khuyến công khá toàn diện, từ phát triển sản xuất cho đến tìm kiếm thị trường. Riêng nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất luôn được ưu tiên hỗ trợ trực tiếp, đem lại hiệu quả kinh tế nhanh và bền vững cho đối tượng thụ hưởng. Hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ đầu tư, đổi mới thiết bị, máy móc, công nghệ tạo bước chuyển biến tích cực trong việc hiện đại hóa sản xuất, giảm lao động thủ công, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường cho các cơ sở CNNT.

Hiện nay, công tác khuyến công của Khánh Hòa đang tập trung khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp nhằm xây dựng các đề án hỗ trợ; tư vấn về thiết bị công nghệ, giúp doanh nghiệp lựa chọn đầu tư đúng hướng; tăng cường hoạt động tuyên truyền quảng bá, phổ biến sâu rộng hơn chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT.


CTV