Hai lần được phong tặng Anh hùng Lao động, từ khi thành lập đến nay chưa có xã viên nào rời bỏ HTX; thu nhập bình quân đạt 6 triệu/người/năm, Ðó là ghi nhận của chúng tôi qua chuyến đi thực tế tại HTX toàn xã Nà Pán, xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Ðoàn kết, thống nhất trong sản xuất

Trước khi xuống Nà Pán, ông Hoàng Văn Nháy, cán bộ UBND tỉnh Lạng Sơn, người gắn bó hàng chục năm với Lộc Bình nói chung và Nà Pán nói riêng cho biết, đây là mô hình kinh tế tập thể điển hình của tỉnh Lạng Sơn về sự đoàn kết, thống nhất cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đời sống nhân dân ổn định, không ngừng được nâng cao.
Ðể kiểm chứng và lý giải những điều ông Nháy nói, cũng như những kết quả mà Nà Pán đạt được, chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi với nhiều cán bộ của huyện Lộc Bình có nhiều năm theo dõi xã Nhượng Bạn, HTX Nà Pán; các cán bộ chủ chốt qua các thời kỳ, các cán bộ đương nhiệm của xã, HTX và khảo sát đời sống một số hộ gia đình xã viên... cho thấy, nguyên nhân thành công chủ yếu của HTX toàn xã Nà Pán trong thời gian qua, nhất là trong thời kỳ đổi mới: Ðó là sự quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Lạng Sơn. Trên thực tế, Ðảng ủy, UBND, Ban chủ nhiệm HTX các thời kỳ đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước một cách phù hợp với đặc thù địa phương, tranh thủ có hiệu quả sự chỉ đạo, giúp đỡ của cấp trên. HTX toàn xã Nà Pán đã thực hiện tốt công tác dân chủ trong bàn bạc, quyết định mọi vấn đề của HTX; công bằng trong giao đất nông, lâm nghiệp, trong hưởng lợi từ hoạt động dịch vụ của HTX, trong phân chia lợi ích giữa HTX và các hộ gia đình, trong giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích, về quan hệ giữa HTX với hộ gia đình xã viên và với các hộ gia đình xã viên với nhau; tính cố kết dòng tộc (99% số dân của xã là dân tộc Sán Chỉ).

Chủ nhiệm HTX Hoành Văn Chạng cho biết, việc dân chủ bàn bạc công việc của HTX đã trở thành nền nếp từ ngày đầu thành lập, đã qua bảy đời chủ nhiệm và đến nay vẫn đang thực hiện tốt. Từ năm 2002 trở lại đây, HTX đã đầu tư 841 triệu đồng làm 16 km đường ô-tô vào rừng để khai thác gỗ, mua một xe ô-tô vận tải, xây nhà kho chứa nhựa thông, xây hội trường HTX..., tất cả đều được đưa ra thảo luận, quyết định tại đại hội xã viên và đạt sự thống nhất cao về những chủ trương này.
Ðồng chí Hoàng Văn Giàu, Anh hùng Lao động, nguyên Bí thư Ðảng ủy xã Nhượng Bạn, nguyên Chủ nhiệm HTX Nà Pán, khẳng định, ở đây, tính công bằng được thực hiện triệt để, với sự thống nhất cao trong Ðảng ủy, UBND, Ban chủ nhiệm và toàn thể xã viên trên cơ sở thấu tình đạt lý. Ông nhớ lại khi triển khai khoán hộ, HTX phân chia theo thứ tự ưu tiên, đầu tiên là hộ gia đình liệt sĩ; hộ có các cụ lão thành cách mạng; hộ nghèo; hộ bình thường; hộ đảng viên; hộ trong ban định khoán mới và cuối cùng là ban quản trị HTX. Thực tế, với cách chia này, các hộ gia đình đều vui vẻ, phấn khởi và không thắc mắc gì.

Về vấn đề họ tộc ở xã Nhượng Bạn, ông Giàu cho biết, người Sán Chỉ chiếm tới 99% số dân, chủ yếu là ba dòng họ Hoàng, Lý, Lâm và hàng trăm năm qua, ba dòng họ sống hòa thuận, đoàn kết, biết bảo nhau trong cuộc sống cũng như công việc, trên nguyên tắc lợi ích chung phải được đặt lên trên hết.

Ðứng trước căn nhà hai tầng xây dựng khang trang, chị Hoàng Thị Tin, thôn Hàn Sài hào hứng kể chuyện, nhà chị trồng 1.000 cây thông, và năm sào lúa làm hai vụ, nuôi gần chục con lợn, thu nhập hơn 20 triệu đồng/năm. HTX đối với gia đình tôi quan trọng lắm, từ việc cung cấp giống cây trồng, vật nuôi; tiêu thụ sản phẩm đều nhớ HTX... Tóm lại, cứ gặp khó khăn gì trong sản xuất là tôi "kêu" HTX.
Cùng như chị Tin, anh Hoàng Văn Khởi, nhân viên bưu điện xã, đồng thời cũng là xã viên HTX cho biết, mặc dù là nhân viên nhà nước nhưng tôi vẫn "theo" HTX đến cùng bởi gia đình tôi từ trước đến nay đều là thành viên của HTX, vả lại cũng được hưởng rất nhiều lợi ích từ đây, nhất là kinh tế.

Ðể Nà Pán tiếp tục phát triển

Theo đồng chí Hoàng Hùng Cường, Phó phòng NN và PTNT huyện Lộc Bình, Nà Pán khá giả chủ yếu là nhờ cây thông cho gỗ, nhựa. Năm 1974, HTX bắt đầu trồng 50 ha và đến nay đã phát triển thành 900 ha, chiếm hơn 60% diện tích đất lâm nghiệp của xã (1.517 ha). Ðến những năm 90 của thế kỷ 20, xã viên HTX bắt đầu khai thác gỗ, nhựa cho đến nay, và từ đây đời sống nhân dân xã Nhượng Bạn đã thật sự khởi sắc. Nhưng đáng lo ngại là hiện nay số thông đủ tuổi để lấy gỗ, nhựa chỉ còn khai thác được ba năm nữa là hết, trong khi số thông trồng gối đầu sớm nhất cũng phải hơn mười năm nữa mới khai thác được (thông đủ tuổi khai thác phải trồng từ 15 đến 20 năm).

Như vậy, câu hỏi đặt ra trong hơn mười năm đó, Nà Pán sẽ làm gì để bảo đảm đời sống cho hơn 300 hộ xã viên, với 1.596 nhân khẩu như hiện nay, chưa kể dân số tăng? Ðây là "bài toán" không dễ có lời giải đối với HTX Nà Pán, xã Nhượng Bạn nói riêng, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Lạng Sơn nói chung.

Về vấn đề này, đồng chí Hoàng Văn Chạng cho biết, Ðảng ủy, UBND, HTX đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn bạc, nhằm đưa ra biện pháp tháo gỡ. Ðầu tiên, là thông khai thác đến đâu, HTX đôn đốc các hộ xã viên trồng thế ngay tới đó nhằm bảo đảm tính nối tiếp, dứt khoát không để ngắt quãng. Thứ hai, HTX đã triển khai cho các hộ xã viên trồng bạch đàn, keo, hồi, vải, quýt. Thứ ba, tận dụng tối đa diện tích canh tác lúa, chăn nuôi lợn, gà... nhằm phần nào bù đắp khoản thu nhập từ cây thông.

Tuy nhiên, theo đồng chí Chạng, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, Nà Pán cần phải có những giải pháp đồng bộ, dài hơi, cộng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của huyện Lộc Bình và tỉnh Lạng Sơn. Ngay từ bây giờ, HTX cần tập trung vào những hướng phát triển sau:

Một là, củng cố, kiện toàn và nâng cao trình độ lãnh đạo, chỉ đạo bộ máy HTX. Trên thực tế đội ngũ cán bộ của HTX hiện nay trình độ văn hóa còn thấp, nhất là trong quản lý kinh tế, nghiệp vụ tài chính kế toán.

Hai là, đẩy mạnh hơn nữa sản xuất nông nghiệp theo hướng CNH, HÐH, cụ thể là nhanh chóng áp dụng khoa học-kỹ thuật, đưa giống cây, con cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, chú trọng phát triển chăn nuôi lợn, gà quy mô lớn.

Ba là, xã, HTX cần mở rộng quan hệ hợp tác, phạm vi kinh doanh đa ngành nghề ra ngoài huyện, tỉnh; mở rộng các dịch vụ ngay trên địa bàn xã, bởi thực tế những năm qua cho thấy, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nà Pán chủ yếu là tập trung cho phát triển lâm nghiệp, mà cây thông là chủ đạo.

Bốn là, nhanh chóng đưa người trong độ tuổi lao động của xã đi đào tạo nghề nhằm giải tỏa sức ép tạo việc làm trong những năm tới, đồng thời cũng là cơ hội cho nhiều ngành nghề mới phát triển, tạo ra sự phong phú, đa dạng và đem lại hiệu quả kinh tế ngay trên địa bàn xã.

 

Theo Nhân dân