Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xu hướng tiêu dùng đồ gỗ của thị trường thế giới đã có sự thay đổi khi chuyển từ đồ nội thất cao cấp sang hạng trung bình. Mặc dù tăng trưởng nhanh nhưng đến nay, thị phần đồ nội thất của Việt Nam trên thị trường thế giới nói chung và Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng mới chỉ đạt tỷ lệ 1%. Vì vậy. cơ hội còn nhiều đối với ngành chế biến xuất khẩu gỗ.



Số liệu thống kê cho thấy, tuy không đạt kim ngạch xuất khẩu cao như các mặt hàng xơ sợi, điện thoại di động, dệt may, giầy dép, cao su… nhưng hàng nội thất của Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá có nhiều tiềm năng bởi nhu cầu thị trường


Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lượng hàng đồ nội thất tiêu thụ ngày càng nhiều do mức sống của người dân được nâng cao, cảm nhận mỹ quan của người tiêu dùng cũng đa dạng và phong phú lên. Vấn đề quan trọng hàng đầu là đáp ứng, phục vụ được sở thích cá nhân của người sử dụng bên cạnh những tính ưu việt về chất lượng dễ thấy của hàng hóa. Cụ thể, những mẫu đồ nội thất có cấu trúc thanh thoát, nữ tính mang dáng dấp tự nhiên, chế tạo bằng công nghệ tinh xảo và dễ sử dụng ngày càng được ưa chuộng. Những mặt hàng đa năng trong sử dụng, gấp dễ dàng thích hợp với nhiều loại hình không gian nhất là không gian chật hẹp tại thành phố cũng trở nên ngày càng phổ biến.


Màu sắc nhẹ nhàng, nâu nhạt sẽ trở thành các màu chủ đạo của nhiều loại sản phẩm. Với các trường hợp màu sắc đối nghịch nhau và màu nóng – lạnh kết hợp như hồng nhạt, hồng đậm, xám nhạt, mận tía, xanh và xanh nước biển, vàng chanh, trắng sẽ là các màu chủ đạo. Với các vải hoặc tấm vải bố, các màu gắt sẽ giảm đi, các màu trang nhã, gam màu nhẹ nữ tính sẽ là chủ đạo. Các loại chất liệu mềm, gần với tự nhiên được ưa chuộng.


Để đáp ứng nhu cầu trong nước, hàng năm, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhập khẩu đồ nội thất với giá trị kim ngạch trên 1 tỷ USD. Trong giai đoạn 2010 – 2013, ngoại trừ kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này giảm năm 2012, các năm còn lại đều đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, năm 2010 có mức tăng trưởng cao nhất.


Cụ thể, so cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng nội thất của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2010 đạt 1,08 tỷ USD, năm 2011 đạt 1,39 tỷ USD, năm 2012 đạt 1,20 tỷ USD, năm 2013 Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu khoảng 1,5 tỷ USD hàng nội thất.


Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu hàng nội thất sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt khoảng 11,1 triệu USD, tăng 109,4%, trong khi đó nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ đạt 686 ngàn USD, giảm 26,6%.


Như vậy, hàng năm đồ nội thất xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ chiếm chỉ khoảng chưa đến 1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cho thấy, tiềm năng xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam vào Thổ Nhĩ Kỳ còn lớn. Để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động và tích cực hơn nữa trong việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, cải thiện mẫu mã hợp với xu hướng tiêu dùng, tạo giá cạnh tranh.


Trong những năm tới, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Với kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng trên 200 tỷ USD mỗi năm, Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường có tiềm năng lớn đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.


Lê Ngọc