Theo quy hoạch điều chỉnh để tập trung nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng cho các CCN, tỉnh Thừa Thiên Huế giữ lại 10 CCN với tổng diện tích là 353ha, đồng thời xóa khỏi quy hoạch 08 CCN với diện tích là 468ha. Đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành thủ tục thành lập cho 08 CCN và 09 CCN đã được quy hoạch chi tiết, trong đó có 05 CCN đã có đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư.


Công tác quản lý các CCN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được thống nhất thực hiện theo quy định tại Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý CCN và hiện đang triển khai áp dụng hai mô hình quản lý CCN như sau:


Mô hình thứ nhất:  Thành lập Trung tâm phát triển CCN thành phố Huế với bộ máy quản lý hoàn chỉnh gồm 01 Giám đốc Trung tâm, các chuyên viên giúp việc, Trung tâm đã ban hành quy chế hoạt động và UBND thành phố Huế đã ban hành Quyết định số 9025/204/QĐ-UBND ngày 04/12/2014 về việc ban hành Quy chế quản lý CCN An Hòa nhằm đảm bảo thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý CCN; vì vậy các công tác liên quan đến quản lý, đầu tư xây dựng hạ tầng được thực hiện đúng tiến độ, tranh thủ được vốn đầu tư lớn và nhiều lần, công tác kêu gọi đầu tư và thu hút đầu tư vào CCN An Hòa được thực hiện có hiệu quả và đạt tỷ lệ lấp đầy cao; thủ tục cho thuê đất được thực hiện đơn giản tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư; thực hiện kịp thời các ưu đãi của pháp luật về miễn giảm tiền thuế, tiền sử dụng đất trong CCN; các công tác liên quan đến quản lý an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường được duy trì thường xuyên, môi trường đầu tư được cải thiện.


Mô hình thứ hai: Hình thức hoạt động kiêm nhiệm phân cấp phối hợp quản lý CCN, cụ thể là giao chức năng quản lý nhà nước cho Phòng Kinh tế hoặc phòng Kinh tế hạ tầng và giao chức năng quản lý và đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN cho Ban Đầu tư và xây dựng của các huyện và thị xã (đối với các CCN ở 07 huyện và 02 thị xã Hương Thủy, Hương Trà). Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ các Phòng Kinh tế/Kinh tế hạ tầng đã phối hợp chặt chẽ với Ban Đầu tư & Xây dựng các huyện, thị xã trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn, công tác quản lý theo hình thức kiêm nhiệm đã tận dụng được nguồn lực nội tại của các phòng, ban chuyên môn cấp huyện.


Qua quá trình hoạt động, có thể nói mỗi mô hình quản lý đều phát huy được thế mạnh trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động của các CCN thuộc địa bàn quản lý, thường xuyên phối hợp các Sở, ngành liên quan kiểm tra việc chấp hành các quy định nhà nước về hoạt động sản xuất trong CCN, công tác bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ tại các doanh nghiệp. Đồng thời công tác xử lý, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất kinh doanh được thực hiện nhanh chóng, nắm bắt các thông tin hoạt động của CCN kịp thời, thực hiện các chế độ báo cáo đầy đủ và chính xác.


Các CCN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được định hướng thành lập với tính chất là CCN tổng hợp, đa ngành đa lĩnh vực, được quy hoạch thành lập với mục tiêu tạo mặt bằng sản xuất, môi trường đầu tư thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vừa và nhỏ (không đảm bảo quy mô đầu tư vào khu công nghiệp), loại hình sản xuất ít gây ô nhiễm đến môi trường; vì vậy việc thành lập các CCN rất phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh. Với định hướng mỗi huyện thành lập một CCN nhằm đảm bảo tập trung nguồn lực để phát triển CCN có hiệu quả, công tác đầu tư và xúc tiến đầu tư vào CCN luôn được các địa phương chú trọng thực hiện. Đến nay, đã có 115 dự án đã đầu tư vào 05 CCN trên toàn Tỉnh; một số dự án đã hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả như: Sản xuất ống nước Nhựa của DNTN Nhựa Thùy Dương, Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Phúc Hưng, Công ty TNHH Quang Quân; sản xuất và gia công Giày da của Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Đăng Tuấn; sản xuất vật liệu xây dựng của Công ty CP Long Thọ, Công ty CP Gạch Tuynel Huế, Công ty TNHH Coxano-Trường Sơn; sản xuất sản phẩm ngành may công nghiệp của Công ty CP Da giày Huế, Công ty CP May Thiên An Phát, Công ty Vinatex Hương Trà Huế,..; ngoài ra còn có các nhà máy sản xuất loa, thiết bị âm thanh, láp ráp thiết bị điện tử, sản xuất phân vi sinh và hàng thêu, may mặc phục vụ xuất khẩu,…


Các dự án đầu tư vào CCN hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều lĩnh vực và đem lại giá trị sản xuất công nghiệp tương đối cao đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển (năm 2015 đạt 2.750 tỷ đồng), tăng nguồn thu ngân sách hàng năm cho địa phương, giải quyết việc làm cho hơn 6.500 người lao động đồng thời góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường cho các khu đô thị.


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được về công tác quản lý và thu hút đầu tư vào các CCN thì hiện nay các CCN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn một số khó khăn nhất định như: Công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng CCN đang còn gặp nhiều khó khăn do nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng cho các CCN quá lớn trong khi nguồn vốn thực hiện đầu tư bao gồm nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách và nguồn huy động từ doanh nghiệp vẫn còn hạn chế dẫn đến hạ tầng các CCN chưa được đầu tư hoàn chỉnh, công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho các doanh nghiệp đầu tư vào CCN chưa tốt chính điều này đã làm giảm khả năng thu hút dự án đầu tư của các CCN.


Công tác quản lý các doanh nghiệp trong CCN cũng gặp khó khăn do đa số các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong CCN là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên bộ máy quản lý của các doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp dẫn đến công tác phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời; việc cập nhật và triển khai các chính sách, nghĩa vụ liên quan đến thuế, báo cáo định kỳ hàng tháng/quý và công tác kiểm tra doanh nghiệp còn gặp khó khăn.


Để giải quyết những khó khăn còn tồn tại trong công tác quản lý các CCN trên địa bàn Tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020 Sở Công Thương Thừa Thiên Huế đã chủ động đề xuất một số giải pháp như: Tăng cường tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nhằm kêu gọi đầu tư vào các CCN trên địa bàn; đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN; cân đối nguồn lực địa phương bố trí vốn đầu tư hạ tầng cho các CCN đồng thời tranh thủ các nguồn vốn trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các CCN trên địa bàn.


Bên cạnh đó, để có thể thực hiện các giải pháp về phát triển CCN, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cũng đề xuất Bộ Công Thương bố trí nguồn kinh phí hằng năm từ nguồn vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho các CCN trên địa bàn; đồng thời đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, phát triển CCN nhằm tạo ra khung pháp lý thống nhất quản lý, thúc đẩy phát triển các CCN góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn một cách bền vững./.


CỤC CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG (ARID)