Nhiều năm qua, hoạt động khuyến công Thừa Thiên Huế rất thành công trong việc việc hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp mua máy móc để cải thiện năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

Từ nguồn hỗ trợ của các chương trình khuyến công quốc gia và địa phương, những năm qua Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC & XTTM)- Sở Công Thương Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh phát triển nghề và mở rộng quy mô sản xuất.


Ông Nguyễn Lương Bảy - Giám đốc Trung tâm KC&XTTM cho biết, năm 2013, tỉnh Thừa Thiên Huế có 30 đề án khuyến công (KC) được phê duyệt. Trong đó có 2 đề án KC quốc gia và 28 đề án KC địa phương đã được triển khai tại các huyện, thị xã và TP Huế với tổng kinh phí hỗ trợ trên 3,1 tỷ đồng. Từ các chương trình, đề án KC này, khá nhiều ngành nghề, cơ sở sản xuất CNNT đã được vực dậy. Điển hình là nghề mây tre đan truyền thống của HTX Bao La và Thủy Lập (huyện Quảng Điền), từ chỗ sản xuất thủ công, mẫu mã lạc hậu rất khó tiêu thụ, được sự hỗ trợ của nguồn kinh phí KC đã mạnh dạn vay vốn đầu tư các thiết bị máy móc tiên tiến sản xuất ra nhiều sản phẩm mới, đặc biệt là các hàng trang trí nội thất bằng tre, nứa rất được khách hàng ưa chuộng. Vì vậy, từ chỗ có nguy cơ làng nghề đóng cửa đến nay phát triển khá mạnh, thu hút được hàng trăm lao động.


Mới đây, tại Hội chợ Festival Huế 2014, DN thêu Đoan Trang đã trình diễn những mẫu hàng độc đáo, hàng chục sản phẩm thêu được khách hàng đón nhận. Chủ DN thêu Đoan Trang cho biết, DN lớn mạnh như hôm nay là nhờ sự hỗ trợ không nhỏ từ các chương trình KC. Không những hỗ trợ mở rộng quy mô, phát triển sản xuất mà từ nguồn hỗ trợ của đề án KC, DN đã có điều kiện mở các khóa đào tạo nghề thêu trên áo dài cho hơn 30 học viên…. Ngoài ra, nhiều cơ sở CNNT: Cơ sở may đo áo dài Viết Bảo, trang trại Nguyễn Công Giếng, Cơ sở Ngô Thị Nhân, các cơ sở may công nghiệp, sản xuất bún tươi, phân vi sinh, sản xuất lồng chim cảnh, nước mắm, tương măng, chổi đót, mộc mỹ nghệ, ….của huyện Hương Thủy, Phú Vang, Nam Đông, A Lưới… với sự hỗ trợ hiệu quả từ các chương trình, đề án KC đã phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Đặc biệt, DNTN Bạch Lai từ nguồn kinh phí KC đã nghiên cứu đầu tư sản xuất thành công máy ép củi trấu có tiếng vang trên thị trường, giành được nhiều giải thưởng cao về sáng tạo khoa học kỹ thuật và sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực,…


Năm 2014, kinh phí dành hỗ trợ cho các chương trình, đề án KC của Thừa Thiên Huế được trên 2,4 tỷ đồng, trong đó kinh phí KC quốc gia 340 triệu đồng và kinh phí KC địa phương là 2,1 tỷ đồng. Trung tâm KC & XTTM tỉnh sẽ hỗ trợ cho khoảng 30 DN, cơ sở CNNT. Tính đến tháng 5/2014 đã có 14 đề án KC được hỗ trợ, như: Đê án đầu tư máy móc thiết bị sản xuất hàng mỹ nghệ của DNTN Ngọc Long ở Vinh An (Phú Vang), sản xuất các sản phẩm từ mây tre của cơ sở Minh Tâm ở Thủy Lương (thị xã Hương Thủy), mở rộng quy mô sản xuất bún của cơ sở Nguyễn Thượng ở làng nghề Ô Sa, xã Quảng Vinh (Quảng Điền); may công nghiệp của DNTN Lê Gọi, xã Vinh Phú (Phú Vang); sản xuất gạch blook của Công ty CP Nam Đông, xã Hương Hòa (Nam Đông)…


Ngọc Chính