Vừa qua, để chuẩn bị cho việc sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP) đã có Báo cáo số 04/BC-CNĐP về tình hình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ cụm công nghiệp (CCN) trên phạm vi cả nước. Báo cáo đã khái quát, chỉ rõ những kết quả đạt được và tồn tại trong công tác quản lý và đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) tại các địa phương hiện nay.

Trong phân cấp quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật các CCN theo quy định tại Quy chế quản lý CCN ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TT ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các CCN thuộc thẩm quyền trách nhiệm của Ủy ban nhân cấp tỉnh và do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo. Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn, thỏa thuận quy hoạch và tổng hợp, đánh giá tình hình xây dựng hạ tầng từ các địa phương.


Về tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng và hoạt động của các CCN, như sau: Đến nay, cả nước có 1.596 CCN với tổng diện tích 50.655,58 ha; trong đó có 590 CCN có Quyết định thành lập với tổng diện tích 18.483,38 ha. Có 616 CCN của các địa phương trên cả nước đang hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp (theo quy hoạch) là 13.091,08 ha. Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê trong các CCN này là 7.596,09 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 58%. Các CCN đi vào hoạt động đã thu hút được 10.735 dự án đầu tư (có 8.652 dự án đã đi vào hoạt động); tạo việc làm cho 548.618 lao động địa phương. Tuy nhiên hiện mới chỉ có 66 CCN có công trình xử lý nước thải đi vào hoạt động.


Tính đến hết năm 2014, cả nước có 660 CCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng; có 369 CCN với diện tích 11.951,48 ha được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng, đang thực hiện các thủ tục đầu tư, tổ chức thi công xây dựng với nhu cầu vốn đầu tư 79.035,94 tỷ đồng. Các CCN đã và đang được đầu tư hiện nay chủ yếu dưới hình thức cuốn chiếu (vừa đầu tư hạ tầng vừa cho thuê đất); tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng phụ thuộc nhiều vào nhu cầu về mặt bằng sản xuất và khả năng nguồn vốn của doanh nghiệp. Đến nay, trong số các CCN đã có quy hoạch chi tiết được đầu tư xây dựng, mới có 118 CCN đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng (chiếm 17%), 337 CCN đang xây dựng đầu tư dở dang (chiếm 51%) và còn lại chưa triển khai xây dựng hạ tầng CCN. Đối với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, có 197 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, 139 CCN do Trung tâm phát triển CCN làm chủ đầu tư, 338 CCN do UBND cấp huyện (ban quản lý dự án của huyện) hoặc đơn vị sự nghiệp khác làm chủ đầu tư.


Thực hiện Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn Ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015, Ngân sách Trung ương đã hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn (45 tỉnh/thành phố). Mức hỗ trợ cụ thể: Trong giai đoạn 2011-2015, NSTW đã hỗ trợ hạ tầng trên cả nước là 408 tỷ đồng cho 81 CCN tại 32 tỉnh, bình quân 5 tỷ/cụm và 12,75 tỷ/tỉnh. Tổng số CCN hoàn thành mức hỗ trợ tối đa theo quy định tại Quyết định 60/2010/QĐ-TTg trong giai đoạn này là 55 CCN (trung bình 11 CCN/năm).


Thời gian qua, việc phân cấp, quản lý, đầu tư xây dựng hạ tầng CCN cũng như cơ chế thực hiện đầu tư đã có một số chuyển biến tích cực như: Việc phân cấp, quản lý kết cấu hạ tầng CCN cho các địa phương đã tạo sự chủ động, linh hoạt sáng tạo của địa phương trong chỉ đạo, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN ngày càng được các địa phương quan tâm, nhận thức và tăng dần đầu tư kết cấu hạ tầng một cách đúng mức, tổ chức thực hiện theo trình tự, quy định của pháp luật; góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, thuận tiện cho việc xử lý ô nhiễm môi trường.


Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng hạ tầng CCN còn tồn tại một số bất cập: Các dự án đầu tư hạ tầng CCN chịu quản lý của nhiều cơ quan nhà nước ở địa phương, không có một cơ quan đầu mối, một cửa thống nhất quản lý, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan; cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN còn lỏng lẻo, chưa phân định rõ trách nhiệm,... Tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN ở các địa phương chậm; nguyên nhân chính do nhu cầu vốn đầu tư lớn trong khi nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương, vốn của chủ đầu tư hạ tầng hạn hẹp và nhỏ giọt. Nhiều CCN đã hoạt động không có quy hoạch chi tiết, không có công trình xử lý nước thải, đơn vị quản lý và kinh doanh hạ tầng, đầu tư dở dang, vấn đề môi trường chưa được cải thiện.


Ngoài ra, tổng cân đối NSTW hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN tại các địa phương giai đoạn 2011-2015 là thấp, dàn trải. Việc hỗ trợ còn thụ động, theo đề xuất của địa phương, chưa xây dựng và thực hiện được Đề án tập trung hỗ trợ một số CCN cả nước để chỉ đạo thống nhất, có trọng tâm, sát nhu cầu thực tế.


Trong quá trình thực hiện, để giải quyết các khó khăn, bất cập, Cục CNĐP đã đưa ra các đề xuất để giúp các địa phương phát triển CCN trong thời gian tới: Đề xuất xây dựng, ban hành Nghị định về quản lý CCN; Đề nghị Thủ tướng Chính phủ nâng mức hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn giai đoạn 2016-2020 theo hướng tập trung hỗ trợ 02 CCN/tỉnh với mức hỗ trợ tối đa 75 tỷ đồng/cụm và không quá 150 tỷ/tỉnh đối với các tỉnh thuộc vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và Tây Nguyên; 50 tỷ/cụm và không quá 100 tỷ/tỉnh đối với các tỉnh còn lại; Đề nghị UBND cấp tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng CCN để sớm phát huy hiệu quả, tập trung ưu tiên đầu tư những CCN có khả năng lấp đầy nhanh, những CCN nhằm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đang nằm trong khu dân cư; chú trọng đầu tư xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung.


PHÒNG QUẢN LÝ CCN (ARID)