Mới đây ngày 31/5, Cục Công nghiệp địa phương chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) và Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và nghề Muối ( Bộ NN và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm Điều sau chế biến tại các cơ sở công nghiệp nông thôn”. Tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Huỳnh Anh Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, bà Đỗ Thị Minh Trâm – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, ông An Văn Khanh – Phó Cục trưởng Cục chế biến, nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Phạm Văn Công – Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam.


Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động thương binh và Xã hội, Trung tâm Khuyến công, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Chi Cục QLTT các Huyện, phòng kinh tế hạ tầng, Liên hiệp các hội KH và KT, Hội nông dân và gần 100 doanh nghiệp chế biến Điều tiêu biểu tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Long An.


Theo báo cáo của Cục Công nghiệp địa phương được trình bày tại Hội thảo. Năm 2015, là năm sản xuất công nghiệp được đánh giá có mức tăng trưởng ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8%, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm gần đây (Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2014 tăng 7,6%). Về tăng trưởng của nhóm ngành, thì ngành công nghiệp chế biến có mức tăng cao 10,6%, đóng góp cao nhất vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp. Trong nhóm sản phẩm nông sản chế biến có sản phẩm nhân hạt điều, có chỉ tiêu về sản lượng sản phẩm chế biến và xuất khẩu qua các năm đều có tốc độ tăng trưởng. Năm 2015 sản phẩm điều xuất khẩu được 330.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu 2,3 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2014 và  tiếp tục duy trì vị trí xuất khẩu điều hàng đầu thế giới năm thứ 10 liên tiếp và hiện nay chiếm trên 50% tổng giá trị thương mại nhân hạt điều toàn cầu.


Để duy trì giữ được nhịp độ phát triển, bảo đảm tính ổn định và bền vững, ngành điều Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét và cần được quan tâm giải quyết như: Tính chủ động nguồn nguyên liệu điều thô, đầu tư ứng dụng trang thiết bị, công nghệ đồng bộ có tiên tiến hiện đại; bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đăng ký chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh chế biến sâu đa dạng hóa sản phẩm nhân hạt điều; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm điều trong nước; …để có đủ điều kiện sẵn sàng đáp ứng theo tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.


Tại Hội thảo, đại biểu được nghe các chuyên gia giới thiệu, cung cấp thông tin về thực trạng sản xuất và kinh doanh ngành điều hiện nay, một số chính sách, chương trình hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp ngành điều trong quá trình đổi mới công nghệ và đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến theo Nghị định 45/2012 của Chính phủ; Các kỹ thuật chế biến hạt điều, quy trình đóng gói - bảo quản tại đơn vị, và giới thiệu một số thị trường truyền thống và tiềm năng đến với các doanh nghiệp.


Các đại biểu dành nhiều thời gian cho việc trao đổi, thảo luận, đề xuất các ý kiến cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Những thắc mắc cũng như các khó khăn mà các doanh nghiệp ngành điều đang gặp phải đã được chủ trì Hội thảo cũng như các chuyên gia ghi nhận và giải đáp. Hội thảo đã đem đến cho các doanh nghiệp, các đại biểu những thông tin rất hữu ích về các chính sách và chương trình hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, giới thiệu thêm về kỹ thuật chế biến điều và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội trao thông tin, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người./.



CỤC CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG (Arid)