Để phát triển kinh tế với tốc độ cao, bền vững, đẩy nhanh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ của địa phương để năm 2015 hình thành cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, đến năm 2020 xây dựng Tiền Giang trở thành một tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, tỉnh Tiền Giang đang chú trọng phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng để phát triển, tranh thủ thời cơ thu hút đầu tư, tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp.


Được biết, Tiền Giang là tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 2.367 km2, dân số hơn 1.700.000 người. Kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thủy hải sản… Do đó, định hướng của Tỉnh là phát triển công nghiệp đa ngành, tạo ra sản phẩm phong phú hơn, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu...

 

Trong đó, tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ lấp đầy diện tích khu công nghiệp Tân Hương; kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp Long Giang và tập trung hoàn chỉnh các thủ tục về chuyển giao KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp về cho tỉnh, tổ chức xúc tiến đầu tư vào KCN này, thúc đẩy phát triển công nghiệp vùng phía Đông của tỉnh; tăng cường mời gọi đầu tư tuyến đường vào hai vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước và vùng công nghiệp Gò Công; tiếp tục nâng cấp các CCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng; đẩy mạnh thu hút các dự án thứ cấp vào Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh và Cụm công nghiệp Song Thuận… Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 22,3%, trong đó, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 11,1%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 37,5%, khu vực kinh tế nhà nước tăng 13,2%, đặc biệt là chú trọng phát triển làng nghề, dịch vụ tại các địa phương. Trong đó, để bảo tồn và phát triển các làng nghề, tỉnh Tiền Giang đã chính thức công nhận 13 dự án làng nghề và tập trung đầu tư phát triển với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng hơn 30 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng, còn lại huy động dân đóng góp. Bên cạnh việc bảo tồn các làng nghề truyền thống, tổ chức hệ thống các chợ... 

 

Trung tâm Khuyến công Tiền Giang cũng đã tích cực cùng các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác đào tạo, phối hợp với Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Công đoàn Tiền Giang tổ chức khai giảng lớp dạy nghề dệt len và ráp áo len công nghiệp cho 200 lao động tại Công ty Cổ phần Dệt len Phương Nam; Phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Chợ Gạo, Trung tâm Dạy nghề huyện Chợ Gạo tổ chức lớp dạy nghề chạm khắc gỗ cho 30 lao động nông thôn tại Cơ sở mộc, chạm gỗ Thanh Triều, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang... Có thể nói, sau khi các đề án hoàn thành đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, mặt khác còn nâng cao đội ngũ lao động có tay nghề, giúp các doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, kinh doanh và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.


Trong thời gian tới, Sở Công Thương và Trung tâm Khuyến công Tiền Giang tiếp tục thực hiện Đề án phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn Tiền Giang đến năm 2020; hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ; các chương trình phát triển công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; Chương trình khuyến công và Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế…

 

ARID