Việt Nam đang bước vào một thời kỳ hội nhập mới với những tình hình nổi bật như: WTO tiếp tục thúc đẩy hội nhập đa phương thông qua việc triển khai gói cam kết Bali, APEC đang tham vọng hướng tới việc thành lập Khu vực Thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), ASEAN hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN, một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đã được ký kết (trong đó có các hiệp định quan trọng với các đối tác kinh tế lớn như TPP, FTA Việt Nam – EU…).


Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh hội nhập ngoài nước, Việt Nam đang tăng cường hơn nữa hội nhập trong nước thông qua việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT), cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng... Do vậy, công tác hội nhập cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ ở cấp địa phương và doanh nghiệp (nơi triển khai thực thi các cam kết hội nhập).


Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua đã có những đột phá mạnh mẽ và hứa hẹn nhiều biến chuyển mới trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi công tác hỗ trợ doanh nghiệp cần phải có những đổi mới, đi vào chiều sâu để vừa phù hợp với các cam kết quốc tế, vừa đáp ứng được tình hình thực tế của doanh nghiệp.


Để góp phần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, một số việc cần làm là:
Hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, Đề án phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển khác cho doanh nghiệp; duy trì và phát triển “vườn ươm doanh nghiệp”, quỹ khởi nghiệp; Duy trì tổ chức định kì các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp;  Tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đẩy mạnh các hoạt động đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, hệ thống quản lý chất lượng...


Tranh thủ các nguồn viện trợ của nước ngoài, sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật, chất lượng để có thể đối mặt với những thách thức về rào cản kỹ thuật trong thương mại; tổ chức các chương trình, diễn đàn, nhóm trao đổi công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp thành phố hoặc kết hợp với các địa phương khác trong cả nước để cùng nhau học tập và phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chuỗi giá trị với các đối tác trong và ngoài nước để tạo điều kiện kích thích sự phát triển về công nghệ, sản xuất, liên kết với doanh nghiệp FDI để tiếp cận với chuỗi cung ứng toàn cầu…


Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương mại điện tử để quá trình sản xuất kinh doanh được tiến hành hiệu quả và cạnh tranh hơn trong thời kỳ mới; Xúc tiến phát triển các doanh nghiệp khoa học - công nghệ; phát triển các tổ chức tư vấn và hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, khắc phục những bất cập, hạn chế gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.


Cung cấp thông tin, tư vấn chính sách pháp luật, đào tạo, tập huấn kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT), góp phần hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp;  Phối hợp xây dựng và thường xuyên cập nhật các thông tin về doanh nghiệp, thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu từ hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đến các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để kịp thời cập nhật, có những điều chỉnh cần thiết về cơ cấu, năng lực sản xuất đáp ứng yêu cầu sản xuất, xuất khẩu trong thời kỳ hội nhập;  Tăng cường tổ chức phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của thành phố áp dụng các quy trình sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp hàng hóa đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật, chất lượng của thị trường nước ngoài và của các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia; Cải tiến cách thức đào tạo, tập huấn về HNKTQT.


Thời gian qua, công tác tuyên truyền, tập huấn và nâng cao nhận thức về HNKTQT mới chỉ tập trung vào vấn đề tạo nhận thức chung của các cán bộ, công chức và doanh nhân, chưa đi vào các vấn đề cụ thể của từng ngành, từng nhóm doanh nghiệp. Hoạt động tư vấn, hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp về HNKTQT cũng chưa được triển khai hiệu quả. Để nâng cao năng lực đào tạo, tư vấn chính sách pháp luật về HNKTQT cần phải: Thường xuyên tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo của các đối tượng, đặc biệt là giới doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đối với các doanh nhân trong các lĩnh vực có thế mạnh của địa phương như du lịch, thương mại - dịch vụ, phân phối để trên cơ sở đó thiết kế các chương trình đào tạo với nội dung phù hợp; tập trung vào tổ chức các lớp đào tạo về kĩ năng (bán hàng, marketing, nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu…) cho các doanh nghiệp.

 

Tiến hành đào tạo hoặc gửi cán bộ của các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN), cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu tham gia các lớp đào tạo giảng viên về một số vấn đề của HNKTQT như mở cửa thị trường dịch vụ, chống bán phá giá, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, kiểm dịch động – thực vật v.v... để tạo nguồn chuyên gia tư vấn thường xuyên, từ đó có thể tự mình thực hiện các khoá đào tạo, thực hiện công tác tư vấn, hướng dẫn đối với doanh nghiệp trên địa bàn.; Tăng cường triển khai các hoạt động tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp; lên danh mục chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn có liên quan (thuế, xuất nhập khẩu, luật thương mại quốc tế v.v...); thiết lập thư viện điện tử - tập hợp các quy định về cam kết quốc tế nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin, tư vấn chính sách pháp luật và các vấn đề có vướng mắc từ phía doanh nghiệp.


Hỗ trợ xúc tiến thương mại:  Tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại trong đó có phát triển thị trường trong nước và kết nối với các kênh phân phối nước ngoài; đồng thời tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, phát triển mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu phù hợp với yêu cầu của thị trường nước ngoài và sự cạnh tranh trong nước; Tăng cường liên hệ với các Thương vụ Việt Nam tại các nước, các văn phòng xúc tiến thương mại ở nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu, kết nối và xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, nhất là các thị trường xuất khẩu mục tiêu. Phối hợp giữa Bộ Công Thương, các sở Công Thương, các cơ quan xúc tiến thương mại và các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức các chương trình Tuần hàng Việt Nam tại các thị trường nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp mang hàng hóa trưng bày, giới thiệu tại các chương trình này. Tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động truyền thông, quảng bá về các sản phẩm, thương hiệu Việt Nam và địa phương ở thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài; kết hợp truyền thông, quảng bá về các doanh nghiệp, sản phẩm địa phương bằng nhiều hình thức trong các sự kiện quốc tế lớn.
 

Thực thi các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề hoạt động; khơi nguồn, phát huy mạnh mẽ tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp. Trong quá trình hội nhập, đặc biệt là từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thể chế kinh tế cũng như cách thức quản lý Nhà nước về kinh tế có nhiều thay đổi theo hướng giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào các lĩnh vực trong nền kinh tế thị trường,  tăng cường tính chủ động, liên kết của các doanh nghiệp thông qua các hiệp hội doanh nghiệp.


Vì vậy, tăng cường vai trò và cải thiện hiệu quả hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập cũng như làm cầu nối giữa Nhà nước với các doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước. Do vậy, cần sớm hoàn thiện pháp luật về Hội; tăng cường hiệu quả thực thi các quy định về sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình hoạch định chính sách, pháp luật nội địa; tăng cường nguồn lực, năng lực hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt trong những vấn đề liên quan tới hội nhập.


Tóm lại, đất nước đang chuyển sang giai đoạn hội nhập toàn diện với hội nhập kinh tế là trọng tâm, là nội dung chính, quan trọng nhất của tiến trình hội nhập. Các hiệp định mở cửa thương mại thời gian qua và những FTA thế hệ mới sắp tới chắc chắn sẽ là một động lực mới, mang theo những cơ hội chưa từng có cho nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam. Dù vậy, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để những cơ hội đó không bị chuyển hóa thành thách thức mà thực sự trở thành hiện thực. Doanh nghiệp sẽ phải là những người đầu tiên cần thay đổi; cải thiện năng lực cạnh tranh sẽ phải là việc tiên quyết phải làm. Về phía các cơ quan QLNN, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nêu trên có thể không phải là các giải pháp mới, nhưng vấn đề là phải nỗ lực, tăng cường hiệu quả thực chất của những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, để giúp doanh nghiệp có thể phát huy nội lực, tự tin, mạnh mẽ hơn trên đường hội nhập.


 Sở CT Đà Nẵng