Trong bối cảnh xuất khẩu nông lâm thủy sản sang nhiều khu vực thị trường có dấu hiệu suy giảm thì tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á lại có một số điểm sáng. Đáng chú ý, là xuất khẩu gạo sang các thị trường chính ở châu Phi có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian sắp tới, xuất khẩu hạt tiêu, hạt điều, chè sang khu vực cũng tăng đáng kể.


Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 2 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu các sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam sang một số thị trường trọng điểm tại khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á đạt 215,4 triệu USD tăng trưởng +14,2% so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân là do kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng, cụ thể: gạo đạt 57,82 triệu usd (+200%), hạt tiêu đạt 38,0 triệu USD (+39%), chè đạt 12,1 triệu USD (+59,2%), hạt điều đạt 7,5 triệu USD (+88%). Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2014 như: thủy sản đạt 36,2 triệu USD (-18,7%), cà phê đạt 20,9 triệu USD (-52,0%), rau quả đạt 2,1 triệu USD (-25,0%).


Triển vọng xuất khẩu nông lâm thủy sản sang khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á năm 2015

Nhìn chung, những tháng đầu năm là thời điểm có nhiều kỳ nghỉ lễ dài, trong khi các mặt hàng nông lâm thủy sản là nhóm mặt hàng cần nhiều lao động lại đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như nêu trên là kết quả rất khả quan. Cụ thể đối với từng mặt hàng, từng thị trường như sau:

Thủy sản: Trong 2 tháng đầu năm 2015, mặt hàng thủy sản chiếm tỉ trọng 17% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản sang khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á. Thủy sản là mặt hàng được xuất khẩu khá đều sang nhiều nước trong khu vực. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn đạt mức khá như UAE đạt 7,8 triệu USD, Ả-rập Xê-út đạt 7,8 triệu USD, Ai Cập đạt 5,1 triệu USD, Pakistan đạt 4,7 triệuUSD, I-xra-en đạt 4,3 triệu USD.

Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản sang khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á mới chỉ chiếm 4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xét về dung lượng thị trường, khu vực châu Phi, và Tây Á có nhu cầu khá lớn đối với các loại thủy sản của Việt Nam do châu Phi có dân số đông (châu Phi, Nam Á), Tây Á có khả năng thanh toán cao và cả hai khu vực này đều có ngành thủy sản không phát triển. Do đó, tiềm năng xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khu vực này còn rất lớn.

Cà phê: Tương tự như thủy sản, xuất khẩu cà phê sang châu Phi, Tây Á, Nam Á cũng chỉ chiếm 4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cà phê chủ yếu được xuất khẩu sang Ấn Độ (trong 2 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 10,8 triệu USD, giảm 14,3%, Algeria (kim ngạch đạt 5,1 triệu USD, giảm tới 78% so với cùng kỳ năm 2014, là hai nước có một số nhà rang xay cà phê lớn. Trong khi một số thị trường tiềm năng như các nước Bắc Phi (Ma-rốc, Ai Cập, Libi) cũng có những doanh nghiệp chế biến cà phê mạnh vẫn chưa được quan tâm khai thác đúng mức. Như vậy, có thể nói xuất khẩu mặt hàng cà phê sang khu vực thị trường này gặp bất lợi hơn so với năm trước.

Hạt tiêu: Trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu sang Châu Phi, Trung Đông, Nam Á tăng trưởng mạnh. Cụ thể, sang Ai Cập đạt 4,3 triệu USD (+10,3%), sang Ấn Độ đạt 15,9 triệu USD (+48,6%), sang UAE đạt 9,9 triệu USD (+110,6%), v.v... Xuất khẩu hạt tiêu sang khu vực thị trường này chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của cả nước. Dự báo trong năm 2015, sản lượng hạt tiêu của Ấn Độ có khả năng đạt thấp, vì vậy xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang thị trường này cũng như sang các nước khác trong khu vực sẽ tăng trưởng mạnh.

Hạt điều: Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á không phải là địa bàn nhập khẩu hạt điều trọng điểm của Việt Nam. Ngược lại, châu Phi là nơi cung cấp nguyên liệu điều thô cho các doanh nghiệp chế biến trong nước, bên cạnh đó, Ấn Độ và một số nước Nam Á cũng là nhà xuất khẩu hạt điều lớn. Trong khu vực, chỉ có UAE, I-xra-en, Nam Phi là nước nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Kim ngạch xuất khẩu hạt điều sang hai thị trường nói trên trong 2 tháng đầu năm 2015 đạt lần lượt 2,8 và 1,5 triệu USD.

Gạo: Là nông sản xuất khẩu chủ lực nhất của Việt Nam sang châu Phi, Tây Á khi chiếm tới 27% tổng kim ngạch xuất khẩu các loại nông lâm thủy sản sang khu vực này và chiếm tỉ trọng 26% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Hai tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang khu vực này tăng trưởng rất cao, đặc biệt là một số thị trường nhập khẩu chính tại châu Phi đã quay lại nhập khẩu số lượng lớn gạo của Việt Nam. Nếu công tác thị trường được quan tâm đúng mức, gạo Việt Nam bảo đảm được chất lượng và giá cả cạnh tranh thì châu Phi và một số nước Tây Á sẽ là thị trường tiềm năng đóng vai trò là nơi tiêu thụ gạo rất lớn cho Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ của người dân ở khu vực này còn rất lớn. Đáng chú ý là hai thị trường Ghana và Bờ Biển Ngà đang khôi phục việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gạo sang hai nước này đạt lần lượt là 30,1 và 22,3 triệu USD, đóng vai trò là những nước nhập khẩu gạo chủ chốt của Việt Nam trong khu vực.

Chè: Trong thời gian qua, chè của Việt Nam được chủ yếu xuất khấu sang Pakistan, kim ngạch đạt 10,1 triệu USD, chiếm hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu chè sang khu vực. Mặt khác, tuy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chè sang cả khu vực này không cao nhưng cũng chiếm tới 46% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Trong năm 2015, công tác xúc tiến thị trường cần đẩy mạnh ở một số nước Nam Á cũng như tìm kiếm khả năng mở rộng xuất khẩu chè sang một số nước Trung Đông do đây cũng là khu vực có nhu cầu tiêu thụ chè rất lớn.

Rau quả: Kim ngạch xuất khẩu sang khu vực thị trường châu Phi, Tây Á Nam Á của các loại rau quả còn rất khiêm tốn, một số ít chỉ mới được xuất khẩu sang các nước vùng Vịnh. Đặc biệt, Tây Á có nhu cầu nhập khẩu rau quả rất lớn do dân số đông, điều kiện thời tiết không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, trước mắt, doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thị trường, giới thiệu sản phẩm một số loại hoa quả, hoặc nông sản đặc sản nói chung sang khu vực này.

Cao su: Thời gian qua, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường nhập khẩu cao su tự nhiên của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến. Nhìn chung, tiềm năng xuất khẩu cao su tự nhiên sang khu vực Nam Á và Trung Đông còn khá lớn. Vì vậy, thời gian tới, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc tìm kiếm bạn hàng trong khu vực, qua đó, tránh được sự lệ thuộc vào một số thị trường nhập khẩu truyền thống nhất định. Đáng chú ý nhất là thị trường Ấn Độ, việc nhập khẩu cao su nguyên liệu phụ thuộc nhiều vào tình hình sản lượng trong nước. Do đó, đề nghị cơ quan Thương vụ và các doanh nghiệp cần bám sát tình hình thị trường, sản lượng, giá cả cao su tự nhiên của nước này để có những khuyến nghị, định hướng đúng đắn cho việc xuất khẩu cao su sang Ấn Độ trong thời gian tới.

Gỗ và sản phẩm gỗ: Do nhu cầu sử dụng gỗ của các nước khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á không thực sự cao. Một số sản phẩm đồ gỗ được xuất khẩu sang các nước Trung Đông, gỗ nguyên liệu (gỗ dán, gỗ ép…) được xuất khẩu sang Ấn Độ, Pakistan phục vụ ngành chế biến đồ gỗ của hai nước này.
 

Nguồn: moit.gov.vn