Tuyên Quang là một tỉnh thuộc khu vực trung du miền núi phía Bắc, có truyền thống văn hoá, lịch sử, nhiều khu danh lam thắng cảnh du lịch nổi tiếng, nguồn nhân lực dồi dào và nền kinh tế đang phát triển. Với điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng giao thông (có các tuyến giao thông quan trọng nối các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc), các chính sách khuyến khích đầu tư thông thoáng và dịch vụ hành chính phục vụ hiện đại, Tuyên Quang hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư.


 Năm 2016, tỉnh Tuyên Quang đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư 32 dự án; thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn DABACO, Tập đoàn Woodslands, Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường...


Trong những năm qua, ngành công nghiệp Tuyên Quang luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2016 đạt trên 20%/năm. Có nhiều dự án công nghiệp trọng điểm trên nhiều lĩnh vực, như: Mở rộng dây chuyền may xuất khẩu của Công ty TNHH Seshin VN2 và Công ty TNHH MSA YB; Nhà máy May Tuyên Quang, Thủy điện Yên Sơn, Thủy điện Thác Vàng, Nhà máy Nhiệt điện sinh khối của Công ty CP Mía đường Sơn Dương, Nhà máy sản xuất thép của Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang, Nhà máy Cơ khí đúc Tuyên Quang...


Thương mại, dịch vụ có sự phát triển nhanh và ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2011 là 6.800 tỷ đồng, đến năm 2016 đạt 18.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn trên 20%/năm, năm 2016 hoàn thành kế hoạch năm và tăng 29,6% so với năm 2015, cao hơn mức tăng cả nước (10,19%). Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá, năm 2016 tăng 12,4% so với năm 2015, cao hơn mức tăng của cả nước (8,6%).


Để có thể hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư, bên cạnh phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương theo các chuyên gia, trong thời gian tới tỉnh Tuyên Quang cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất theo hướng đồng bộ, thống nhất, liên kết, gắn với tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng công nghiệp, thương mại dịch vụ trên địa bàn.


Bên cạnh đó, mặc dù Tỉnh đã nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng vẫn cần tích cực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời, Chính quyền Tỉnh cần cam kết và luôn thực hiện việc đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng vào nội dung tổ chức gặp mặt, đối thoại thường xuyên với các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi tối đa về đất đai, tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm đưa dự án đi vào hoạt động. Đồng thời luôn đảm bảo cho doanh nghiệp được hưởng đầy đủ các ưu đãi đầu tư theo quy định.


Đặc biệt, quan tâm gắn kết sự phát triển sản xuất công nghiệp và ngành thương mại dịch vụ với phát triển du lịch để hỗ trợ lẫn nhau và phát huy những giá trị truyền thống, bản sắc của địa phương. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, với tư duy và cách làm mới, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang và những thành tựu to lớn đã đạt được, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết nhất trí, vượt qua khó khăn thách thức, giành được thắng lợi to lớn hơn nữa trong chặng đường phát triển mới.


ARID