Ngày 19/8/2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp (CCN) và có hiệu lực thi hành từ ngày 05/10/2009. Các CCN hình thành sau ngày 05/10/2009 sẽ được quản lý theo Quy chế quản lý CCN.


Tuy nhiên, tại thời điểm ban hành Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg  trên cả nước đã có trên 600 CCN được hình thành. Việc quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng của các CCN này không theo quy trình, hồ sơ chặt chẽ, hầu hết không có quyết định thành lập và hồ sơ pháp lý theo dõi.

 

Kết quả đạt được và những khó khăn tồn tại

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT ngày 12/10/2012 hướng dẫn xử lý CCN hình thành trước Quy chế quản lý CCN ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg có hiệu lực (Thông tư 31). Thông tư 31 đã hướng dẫn cụ thể các địa phương xác định, lập danh mục và phương án xử lý CCN hình thành trước Quy chế có hiệu lực; quy định cụ thể các điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển đổi CCN thành khu công nghiệp (KCN) và trình tự, thủ tục thành lập CCN từ CCN hình thành trước Quy chế có hiệu lực.


Theo quy định, CCN hình thành trước Quy chế quản lý CCN và được xử lý theo các phương án sau: (1) Đối với CCN có diện tích lớn hơn 75 ha nếu đáp ứng các điều kiện quy định thì thực hiện chuyển đổi thành khu công nghiệp (KCN) và quản lý theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về KCN, khu chế xuất và khu kinh tế (KKT); (2) Nếu CCN không đáp ứng điều kiện chuyển lên thành KCN thì giữ nguyên quy mô diện tích (nếu đã được lấp đầy diện tích đất công nghiệp hoặc đã hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hoặc đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và hoàn thành thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng) hoặc điều chỉnh quy mô diện tích xuống dưới 75 ha, thực hiện thành lập CCN và quản lý theo Quyết định 105/2009/QĐ-TTg. Đối với CCN có diện tích không quá 75 ha thì thực hiện thành lập CCN và quản lý theo Quyết định 105/2009/QĐ-TTg; (3) Trường hợp CCN hình thành trước khi Quy chế có hiệu lực không thể xử lý được theo các phương án trên thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.


Kết quả xử lý CCN hình thành trước Quy chế tại các địa phương


 Cả nước có trên 600 CCN với tổng diện tích trên 24.000 ha hình thành trước Quy chế cần xử lý theo Thông tư 31. Trong đó có 74 CCN có diện tích lớn hơn 75 ha, trên 530 CCN có diện tích không quá 75 ha. Về xử lý cụ thể, cả nước có khoảng 400 CCN đã được UBND cấp tỉnh xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên xử lý chuyển đổi thành KCN. Trong đó, đã đề nghị chuyển lên thành KCN (16 CCN, đó là CCN của các địa phương: Bắc Giang - CCN Đồng Vàng; Tuyên Quang - CCN Sơn Nam; Phú Thọ - CCN Bạch Hạc; Bắc Ninh - CCN Nhân Hòa-Phương Liễu; Hưng Yên - CCN Tân Quang; Ninh Thuận - CCN Thành Hải; Bà Rịa-Vũng Tàu - CCN Đá Bạc 1; Thành phố Hồ Chí Minh - CCN An Hạ và CCN cơ khí ô tô; Long An - CCN Hải Sơn, CCN Nhựt Chánh II và CCN Cảng nước sâu; Hậu Giang - CCN Nhơn Nghĩa A, CCN Đông Phú giai đoạn 1, CCN Phú Hữu giai đoạn 1 và CCN Phú Hữu A giai đoạn 3); xử lý thành lập CCN theo đúng quy định (có 303 CCN); chuyển sang mục đích khác hoặc rút khỏi quy hoạch (có 83 CCN).


Có thể nói, việc ban hành Thông tư 31 đã kịp thời hoàn thiện quy định pháp lý, hướng dẫn các địa phương rà soát, đánh giá hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng và hoạt động của các CCN hình thành trước Quy chế; đồng thời xử lý dứt điểm, rút ra khỏi quy hoạch, chuyển mục đích đối với các CCN hoạt động kém hiệu quả, chậm triển khai như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, KCN và CCN. Trong quá trình rà soát thành lập, để phù hợp với thực tiễn, nhiều địa phương đã điều chỉnh quy mô diện tích, tên gọi CCN, ngành nghề thu hút đầu tư,… cho phù hợp; đồng thời kiện toàn hồ sơ pháp lý của các CCN theo quy định giúp các chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước quản lý các CCN được chặt chẽ, thống nhất theo quy định. 

 
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 34 địa phương đã hoàn thành xử lý các CCN theo đúng quy định tại Thông tư 31; 9 địa phương không có CCN hình thành trước Quy chế cần xử lý theo Thông tư 31; còn lại 20 địa phương (gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước và Cà Mau) tiến độ xử lý CCN chậm so với quy định, đã ảnh hưởng đến kết quả quả xử lý chung của cả nước, việc chậm tiến độ do một số nguyên nhân như: (1) Số lượng CCN hình thành trước Quy chế của một số địa phương nhiều nên phải tập trung xử lý (bố trí nhân lực, tài chính) thì mới hoàn thành được theo tiến độ của Thông tư 31, trong khi đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm và chỉ đạo sát sao công tác này, sự phối hợp giữa các Sở, ngành, UBND cấp huyện tại nhiều địa phương thiếu nhịp nhàng, chặt chẽ; (2) Việc xử lý các CCN chỉ có ý nghĩa kiện toàn hồ sơ pháp lý, thuận lợi cho công tác quản lý nhưng không gắn với việc đề xuất, quyết định các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nên chưa thực sự thu hút sự tham gia các chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong CCN.


Một số giải pháp đề xuất để khắc phục tồn tại


Để giúp các địa phương có thêm thời gian xử lý dứt điểm các CCN hình thành trước Quy chế, cơ quan có thẩm quyền cần tạo điều kiện thuận lợi bằng cách gia hạn thời gian thực hiện Thông tư 31.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần bố trí nhân lực, tài chính để xử lý dứt điểm các CCN hình thành trước Quy chế; đồng thời, trong phạm vi và quyền hạn của mình, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển CCN trên địa bàn để thu hút các doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN.


Các Bộ, ngành cần tham mưu Chính phủ xây dựng và trình Chính phủ ban hành chính sách quản lý và phát triển CCN theo hướng tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng và sản xuất kinh doanh trong CCN, bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ đủ mạnh để thúc đẩy phát triển CCN tại các địa phương./.


 

Cục Công nghiệp địa phương (ARID)