Xuất khẩu gạo nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia

Ngày 20/4, chủ trì cuộc họp triển khai, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn; bàn giải pháp điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp nhưng phải đảo bảo “an ninh lương thực quốc gia”.
“Nếu chúng ta không kiểm soát tốt, không có kế hoạch thì sẽ dẫn đến thiếu lương thực và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh và nhắc lại Văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ số 2827, ngày 10/4, trong đó yêu cầu các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan đến tập trung thực hiện những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong giai đoạn hết sức cấp thiết về phòng, chống dịch Covid-19.

 

 

 

 

 

 


Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sớm có đề xuất cụ thể về phương án đấu thầu và cơ chế cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo, đảm bảo công khai, minh bạch, hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, của người dân
“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các Bộ, đặc biệt là Bộ Công Thương đã có Quyết định số 1106, ngày 10/4 về việc áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 là 400 nghìn tấn” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ rõ, trong quyết định này, Bộ Công Thương cũng đưa ra các nguyên tắc về quản lý cửa khẩu để thực hiện việc xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, do công tác phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chưa chặt chẽ nên đã có những ý kiến từ cả doanh nghiệp, Hiệp hội, và người dân, ảnh hướng không tốt đến nỗ lực của Chính phủ trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh và đảm bảo phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Do đó hai bộ cần phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, trong đó phải đảm bảo yêu cầu không được ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo, nhất là trong điều kiện dịch bệnh và biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, đồng thời, phải đảm bảo quyền lợi của người sản xuất và của doanh nghiệp.
"Các Bộ, ngành, địa phương phải tính toán để thực hiện xuất khẩu gạo, song phải đảm bảo yêu cầu an ninh lương thực, đảm bảo lợi ích cho người dân sản xuất và doanh nghiệp” – Phó Thủ tướng nhắc lại quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và hết sức lưu ý, “nếu vì giá gạo trên thế giới đang cao, chúng ta xuất khẩu nhưng để người dân trong nước thiếu gạo thì đây là lỗi của chúng ta”.
Trên tinh thần chỉ đạo nhất quán này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, trước hết, phải khắc phục những tồn tại vừa qua; giải quyết ngay những đơn hàng tồn kho, những đơn hàng mà doanh nghiệp đã tập kết gạo tại các cảng nhưng chưa được cấp hạn ngạch để xem xét, giải quyết. Cùng đó, phải xem xét những doanh nghiệp “khai khống”, không có đơn hàng hoặc được cấp hạn ngạch, chưa có gạo tại các cảng để xem xét, điều hoà việc xuất khẩu cho hợp lý.
“Đề nghị tạm ứng trước hạn ngạch 100 nghìn tấn gạo xuất khẩu trong tháng 5 để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp” – Phó Thủ tướng chỉ rõ, đi kèm với yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét việc cho phép xuất khẩu gạo nếp trên cơ sở cân đối nhu cầu trong nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu, Bộ Tài Chính chịu trách nhiệm mua đủ gạo dự trữ quốc gia (khoảng 190.000 tấn) và lưu ý cơ chế đấu giá, thủ tục giá, những cam kết, ràng buộc giữa các bên để đảm bảo mua đủ lượng dự trữ.
“Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo ngành Hải quan rà soát các thủ tục, không để xảy ra tình trạng tiêu cực, trục lợi chính sách” – Phó Thủ tướng nói và cho rằng, đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thay mặt Chính phủ, yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sớm có đề xuất cụ thể về phương án đấu thầu và cơ chế cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo, đảm bảo công khai, minh bạch, hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, của người dân, đồng thời, đảm bảo đảm bảo việc xuất khẩu gạo theo những cam kết quốc tế.
                            Theo Báo Công Thương