Một cuộc khảo sát gần đây được tiến hành bởi Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) cho thấy, 85% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) đều tham gia xuất khẩu. Riêng năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu của hàng TCMN Việt Nam đã tăng 8% so với năm 2013, đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 1,5% thị phần thị trường thế giới.


Cần dấu ấn riêng


Nếu Trung Quốc dựa vào thế mạnh của cơ khí hóa quá trình sản xuất để nâng cao tính cạnh tranh của 3 nhóm mặt hàng chủ đạo là chiếu cói, thảm cói, các mặt hàng tre gia dụng; Indonesia tiếp tục tập trung hàng mây nội thất, Philippines vẫn coi thiết kế là chiến lược chính để giữ vị trí số 1 trong thị trường hàng thủ công cao cấp, thì các mặt hàng TCMN của Việt Nam vẫn chưa tạo ra một “dấu ấn” riêng rõ rệt, hướng đến một thị trường cụ thể để chiếm lĩnh nó. Nhiều doanh nghiệp (DN) làm hàng TCMN cho rằng, việc tìm kiếm đầu ra cho hàng xuất khẩu rất khó cạnh tranh với hàng TCMN của Trung Quốc. Việc họ phải tìm kiếm thị trường xuất khẩu qua các đối tác trung gian khiến lợi nhuận của mặt hàng này không đủ để DN tái đầu tư cho đơn hàng mới. Ông Lê Văn Phiếu, chủ cơ sở sản xuất hàng TCMN Quang Huy (Đà Nẵng) chia sẻ: Dù đã nhiều lần nghĩ đến thị trường xuất khẩu với những đơn hàng lớn nhưng rút cuộc chúng tôi cũng chỉ làm nhỏ lẻ, chủ yếu là qua trung gian và bán cho khách hàng quen.


Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các nhà sản xuất hàng TCMN của Việt Nam với đặc trưng là sản xuất các mặt hàng giá rẻ có số lượng lớn, chủ yếu phục vụ cho một số nhà bán lẻ lớn trên thế giới như Ikea (Thụy Điển), Wal Mart và Peer 1 Import (Mỹ)… Đáng nói hơn, hiện có 90% hàng sản xuất TCMN của Việt Nam dựa trên những chi tiết kỹ thuật của khách hàng cung cấp và sử dụng nhãn mác sản phẩm của khách hàng để xuất khẩu. Do vậy, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines… hàng TCMN của Việt Nam đang kém cạnh tranh hơn. Các đơn vị sản xuất hàng TCMN của Việt Nam chưa nhận ra tầm quan trọng của thiết kế, tính mỹ thuật, văn hóa và sự cần thiết của việc liên tục đổi mới sản phẩm.


Bên cạnh đó, thị trường châu Âu và Bắc Mỹ đang là hai thị trường nhập khẩu hàng TCMN lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Cả hai thị trường này đang ngày càng thắt chặt hơn nữa các quy định về tiêu chuẩn nhập khẩu đối với hàng TCMN đến từ các nước đang phát triển như Việt Nam. Do vậy, các DN cũng cần chú trọng đến các chứng nhận quốc tế để tiếp cận được với các thị trường “khó tính” này…


“Vấn đề thị trường không phải là khó khăn, mà cái khó nhất hiện nay là làm sao có được những sản phẩm có tính cạnh tranh”, ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nhấn mạnh.


Phải có tính sáng tạo


Các mặt hàng mây tre lá, gốm sứ của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Mỹ, Đức, Nhật, Pháp, Anh; đồ gỗ đã có mặt tại thị trường Nhật, Mỹ, Đức, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc… Cánh cửa mở ra đối với các DN xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam đang vô cùng rộng lớn không chỉ bởi nhu cầu thị trường thế giới, lợi thế về nguyên liệu và nhân công để phát triển các sản phẩm TCMN, mà còn bởi nhiều nhà nhập khẩu đang rời bỏ thị trường Trung Quốc – vốn được xem là “thiên đường” xuất khẩu hàng TCMN, dịch chuyển sang thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất của ngành TCMN hiện nay là vấn đề thiết kế mẫu mã sản phẩm trong khi chi phí đầu vào ngày một tăng, vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng hạn chế… khiến việc tìm đầu ra cho hàng xuất khẩu hết sức chật vật.


Khảo sát một vài cơ sở sản xuất hàng TCMN trên địa bàn Đà Nẵng, sản phẩm của địa phương chủ yếu được sản xuất theo tính truyền thống, ít có đột phá, quanh đi quẩn lại những mẫu thiết kế đã có cách đây cả chục năm. HTX Mây tre An Khê mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 400 sản phẩm xuất khẩu, nhưng chủ yếu là bán cho khách hàng quen.


Ngoài những thị trường quen thuộc như Mỹ và EU, Mây tre An Khê (Đà Nẵng) còn tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới như Cuba, Columbia, Tuynidi…, nhưng đơn hàng vẫn hạn chế. Nguyên nhân chính là những người thợ ở đây tự nghĩ ra mẫu mã sản phẩm chứ không có đội ngũ thiết kế riêng nên sự sáng tạo rất hạn chế.


Rõ ràng, yếu tố thị trường không phải là nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của ngành TCMN mà là do sản phẩm thiếu tính sáng tạo, không có mẫu mã mới để làm hài lòng khách hàng. Việc sản xuất đại trà theo kinh nghiệm truyền thống khiến sản phẩm TCMN không có sự đa dạng và bắt mắt, dẫn đến giá trị đơn hàng ngày càng thấp. Đây là nguyên nhân chính gây nên việc khó cạnh tranh với hàng nước ngoài.


Tại Hội chợ quốc tế Thương mại- Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây Đà Nẵng 2015 (EWEC 2015), nhiều DN của Thái Lan, Lào, Campuchia rất mong muốn tìm kiếm sản phẩm TCMN để ký hợp đồng xuất khẩu. Ông Suvit Suebsarakham, Phó Chủ tịch Hội Thương mại tỉnh Khon Kaen (Thái Lan) cho biết: Về mặt hàng TCMN, DN Thái Lan thường quan tâm đến 3 yếu tố chính, đó là sản phẩm được làm bằng nguyên liệu gì, sản phẩm được tạo ra bằng phương pháp gì và sản phẩm thể hiện tính truyền thống như thế nào. Trong đó, yếu tố thứ 3 là quan trọng nhất. DN Thái Lan luôn đòi hỏi sản phẩm làm ra phải có “hồn” và mang nét độc đáo riêng. Đại diện tỉnh Attapư của Lào cũng chia sẻ: “Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ cho DN trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu. Nhưng để chúng tôi làm tốt vai trò cầu nối này, DN nên chủ động đưa ra đơn đặt hàng cụ thể, không chỉ đơn thuần là vấn đề giá cả mà mẫu mã sản phẩm quyết định sự thành công của đơn hàng”.


Một yếu tố nữa để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm TCMN là tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm thông qua việc tham gia các hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại cũng như có chiến lược quảng bá sản phẩm thật bài bản.


Theo các đối tác nước ngoài, để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu khó tính, DN cần tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt và phải có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hằng ngày, không nên sản xuất đại trà vì sẽ vấp phải sự cạnh tranh của các sản phẩm đến từ Trung Quốc. Bản thân các DN cũng rất mong muốn được hỗ trợ thông tin về thị trường, chính sách nhập khẩu, rào cản kỹ thuật… để hàng TCMN có chỗ đứng trên thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.


ARID