Trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm trước giảm 2,2%), trong khi chỉ số tồn kho giảm là những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của sản xuất công nghiệp.

Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy sự khởi sắc và có đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,47%; quý II tăng 8,55%); trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,04%), đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,13%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7,22%, làm giảm 0,24 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6, so với mức 50,3 điểm của tháng 5, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện tháng thứ ba liên tiếp, đồng thời cho thấy các điều kiện kinh doanh đã mạnh lên đáng kể. Tăng trưởng trong ngành sản xuất đã gia tăng mạnh vào cuối quý 2. Do vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6/2024 mặc dù ước tính tăng nhẹ so với tháng trước (ước tăng 0,7%) nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng tới 10,9%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo ước tăng 12,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8%; riêng ngành khai khoáng giảm 7,7%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo ước tăng 8,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%; riêng ngành khai khoáng giảm 5,5%.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng trên diện rộng với 56/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 7 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 25 địa phương tăng trưởng cao ở mức hai con số, chẳng hạn như: Khánh Hòa tăng 46,4%; Bắc Giang tăng 26,5%; Hải Phòng tăng 15,2%; Quảng Ninh tăng 13,3%... Các địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá do: (i) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước (như Lai Châu tăng 76,1%; Phú Thọ tăng 35,1%; Bắc Giang tăng 26,8%; Bình Phước tăng 17,0%; Hà Nam tăng 15,8%; Hải Phòng tăng 15,6%); (ii) ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao so với cùng kỳ năm trước (như Khánh Hòa tăng 375,3%; Trà Vinh tăng 79,1%, Cao Bằng tăng 36,4%; Thanh Hóa tăng 35,9%). Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do: (i) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước (như Quảng Ngãi giảm 7,5%; Hà Tĩnh giảm 10,2%; Cà Mau giảm 0,04%); (ii) ngành sản xuất, phân phối điện giảm so với cùng kỳ năm trước (như Quảng Ngãi giảm 18,8%; Hòa Bình giảm 16,9%; Sơn La giảm 7,6%; Gia Lai giảm 3,0%); (iii) ngành khai khoáng tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước (như: Hà Giang giảm 54,0%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 13,9%; Lâm Đồng giảm 8,7%).

Chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29,0%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,8%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 18,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 17,8%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 17,4%; khai thác quặng kim loại tăng 16,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,1%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 13,0%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,5%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 9,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 3,0%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 1,7%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép thanh, thép góc tăng 34,5%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 18,4%; thép cán tăng 17,3%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,7%; điện sản xuất tăng 12,2% Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí hóa lỏng LPG giảm 18,5%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 16,0%; tivi giảm 9,6%; dầu mỏ thô khai thác giảm 6,6%; bia hơi, sắt thép thô và điện thoại thông minh cùng giảm 4,1%; alumin giảm 3,9%; ô tô giảm 3,2%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2024 giảm 4,3% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm trước giảm 2,2%).

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2024 tăng 7,6% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 19,9%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2024 là 76,9% (bình quân sáu tháng đầu năm 2023 là 83,1%).

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số tồn kho giảm là những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của sản xuất công nghiệp. Đồng thời, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2024 tăng 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm trước cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới tăng, các doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu tăng sản lượng và tăng số lượng lao động.

Mặc dù các kết quả trong 6 tháng đầu năm 2024 rất khả quan nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn. Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, trong thời gian tới ngành Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát hoàn thiện cơ chế để phát triển sản xuất công nghiệp, năng lượng.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm;

Theo dõi sát tình hình phụ tải điện và diễn biến thời tiết, thủy văn để kịp thời ứng phó theo các kịch bản đã được Bộ chủ động xây dựng cho từng Quý, từng tháng 2024; đảm bảo cung ứng điện trong mọi tình huống để phục vụ sản xuất...

Nguồn: moit.gov.vn