Làng nghề Bàu Trúc nằm ven quốc lộ 1A thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 10km về hướng Nam. Có lẽ Bàu Trúc phát triển được nghề gốm nhờ mỏ đất, mỏ cát riêng biệt chỉ phù sa sông Quao mới có. Ðất mịn, dẻo; cát cũng rất mịn, hạt nhỏ li ti. Theo truyền thuyết của người Chăm, nghề gốm do vợ chồng ông tổ Poklong Chanh dạy cho phụ nữ trong làng từ ngàn xưa. Bởi vậy, ở Ninh Thuận, phụ nữ người Chăm ai ai cũng biết làm gốm còn đàn ông chỉ tham gia vào những việc như đập đất, nung gốm.

Để làm ra sản phẩm gốm Bàu Trúc, người ta dùng loại đất có độ dẻo cao. Đất được làm sạch, đập nhuyễn, ngâm nước, sau đó trộn với cát trắng hạt nhỏ theo tỷ lệ hai đất sét một cát. Khâu chuẩn bị đất phải rất kỹ lưỡng, chỉ cần sót ít bụi bẩn thì sản phẩm sau khi nung sẽ bị nứt, hư hỏng ngay. Người làm gốm gửi tình cảm, tâm linh mình vào từng đường nét hoa văn. Vì vậy sản phẩm của mỗi người thợ có những “tiếng nói” riêng không thể trộn lẫn được. Mỗi sản phẩm đã bán đi 5-10 năm, khi gặp lại họ vẫn nhận được mặt hàng do tay mình làm ra.

Nghề làm gốm rất công phu. Với loại gốm khác, để tạo hình một đồ vật nào đó, các nghệ nhân phải cần sự hỗ trợ của bàn xoay, nhưng với gốm Bàu Trúc thì người ta làm bằng tay từ bước tạo hình cho đến trang trí tạo hoa văn không cần dùng bàn xoay. Các nghệ nhân chỉ sử dụng đôi bàn chân để làm bệ đỡ thay cho bàn xoay và đồng thời vuốt khối đất để tạo hình sản phẩm. Sau khi tạo dáng, sản phẩm được phơi nắng 4-6 giờ rồi dùng mảnh sàng làm láng. Hoa văn gốm Bàu Trúc chủ yếu là hình răng cưa, khắc vạch, sóng nước, hoa văn thực vật, vỏ sò… Sản phẩm gốm Bàu Trúc được làm nhiều nhất là những bức phù điêu của phụ nữ Chăm, các vị vua Chăm, hình ảnh của vũ nữ và những vật dụng sử dụng hằng ngày trong đời sống. Không quá nhiều màu sắc cầu kỳ, cũng không được tô vẽ, không dùng men, nhưng gốm Bàu Trúc đã mang một nét đẹp rất riêng – đẹp bởi hình dáng sản phẩm, bởi sự mộc mạc, tỉ mỉ, cẩn thận của người bà, người mẹ, người chị.

Gốm mộc được sản xuất trong khoảng 5-10 ngày rồi đem ra nung. Kỹ thuật nung cũng khá đặc biệt, không phải là lò nung điện hay than mà là được đun trực tiếp bằng rơm và củi xung quanh sản phẩm. Gốm được xếp bên trên một lớp củi khô và chất rơm lên trên cùng, thế nên khi ra lò, chất gốm cũng tạo nên một nét đặc sắc không nhầm lẫn ở đâu được.

Thời gian nung khoảng từ 4-5 giờ, màu sắc gốm được tạo nên từ nhiều mảng màu tự nhiên vừa có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám như màu khói ám, rồi vệt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, mang đặc trưng nền văn hóa Chăm. Sản phẩm ra lò được những già làng chọn lựa, chỉ những sản phẩm đủ tiêu chuẩn mới được đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhờ coi trọng chất lượng, sản phẩm gốm làng Bàu Trúc được thị trường các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên tiêu thụ ổn định, hàng trăm ngàn sản phẩm mỗi năm.

Hơn 4 năm trước, một nghệ nhân trẻ của Bàu Trúc là Vạn Quan Phú Đoan đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Gốm Chăm Pa, nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm gốm. Được sự giúp đỡ từ chương trình khuyến công, anh Đoan đã xây dựng lò nung gốm kiểu mới với chi phí gần 200 triệu đồng. Theo Đoan, mỗi mẻ nung từ lò của anh có thể cho ra khoảng 450-500 sản phẩm và ít nhất trên 90% trong số đó đạt chất lượng. Lò nung mới dùng nguyên liệu để đốt là vỏ trấu, loại phụ phẩm từ nông nghiệp có rất nhiều tại Ninh Thuận nên giảm ô nhiễm môi trường. Giá thành sản phẩm gốm cũng giảm gần 1/3 so với cách nung truyền thống. 

Hiện nay, bình quân mỗi hộ làm gốm ở đây thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập khá cao so với nhiều vùng nông thôn ở Ninh Thuận. Nếu được sự hỗ trợ giúp đỡ của các ngành chức năng tìm thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, sản phẩm gốm Bàu Trúc sẽ tạo bước phát triển mới cho một làng nghề truyền thống độc đáo của cộng đồng dân tộc Chăm ở Việt Nam.

 

CTV.NL