Trong số hơn 4000 DN dệt may trên cả nước thì khu vực phía Nam hiện chiếm tới 58%. Liên tục trong nhiều năm qua kim ngạch xuất khẩu của ngành Dệt may vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn giữ mức tăng trưởng cao. Với nguồn lao động dồi dào, diện tích mặt bằng xây dựng nhà máy giá rẻ đã mang đến nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành phát triển.


Thêm vào đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà nước ta đang đàm phán cũng hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường và nâng cao tính cạnh tranh xuất khẩu cho sản phẩm dệt may. Các doanh nghiệp dệt may sẽ có những hướng đi như thế nào để tận dụng lợi thế có sẵn và cơ hội từ TPP?


Nếu như tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương,… các doanh nghiệp phải trả cho công nhân may gia công mức lương từ 4,2 – 5 triệu đồng/tháng, thì tại ĐBSCL mức lương này là dưới 3,5 triệu đồng. Ngoài ra, trung bình mỗi năm ĐBSCL cung ứng cho các doanh nghiệp hàng chục ngàn lao động phổ thông. Việc sở hữu nguồn lao động tại chỗ với mức giá rẻ đã tiết giảm rất nhiều chi phí cho các doanh nghiệp


Đi đôi với những lợi thế về mặt lao động, hiện các doanh nghiệp dệt may vùng ĐBSCL còn đang được ưu đãi rất nhiều trong việc mua hoặc thuê mặt bằng xây dựng nhà máy. Cụ thể, chỉ cần số vốn chưa tới 200 triệu đồng/năm, thì doanh nghiệp dệt may này có thể thuê được một mặt bằng khá thuận tiện rộng tới gần 1 ha. Trong khi ở những thành phố tại các khu vực khác, dù bỏ ra số tiền cao hơn nhiều cũng rất khó để thuê được một mặt bằng có diện tích tương đương.


Ông Lâm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang cho biết: Ngành công nghiệp dệt may xuất khẩu ở Kiên Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung đang trên đà phát triển, về mặt bằng so với các tỉnh, thành khác như TP.HCM là giá rẻ và ổn định hơn rất nhiều. Xu hướng các doanh nghiệp dệt may đầu tư về các địa phương ngày càng nhiều, ngoài các chính sách về thuế chung thì địa phương luôn có các chính sách ưu đãi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.


Lao động dồi dào, mặt bằng thuận lợi giá rẻ là điệu kiện quan trọng để các doanh nghiệp đầu tư vào ngành dệt may ở ĐBSCL. Cùng với đó, nếu Việt Nam tham gia TPP, thì những rào cản về thuế khi đưa hàng vào các nước cũng sẽ được tháo bỏ. Bởi mục tiêu của Hiệp định TPP là từ năm 2015 sẽ giảm khoảng 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên


Ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng: Việc VN tham gia các Hiệp định thương mại như TPP thì cơ hội rất lớn, hoạt động thương mại thông thoáng hơn. Song đòi hỏi chúng ta phải có sự phấn đấu, có bước chuẩn bị hàng hóa cả về chất lượng và số lượng nhiều hơn thì ta mới tham gia tốt hiệp định này.


Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, xuất khẩu nhóm hàng dệt may trong tháng 6/2014 đạt hơn 1,89 tỷ USD, tăng 22,4% so với tháng trước, nâng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2014 lên hơn 9,38 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này chiếm 13,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm. Dệt may hiện là một trong những ngành kinh tế lớn nhất cả nước với 4.000 doanh nghiệp, doanh thu đạt 20 tỷ USD/năm, chiếm 15% GDP và hiện Việt Nam nằm trong top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Trong đó, khu vực ĐBSCL đóng góp khoảng 30% giá trị xuất khẩu của ngành, và tới đây con số này sẽ không dừng lại đó. Tuy nhiên, trong một sân chơi thương mại có tính chất quốc tế, thì tính cạnh tranh về chất lượng sẽ càng khốc liệt hơn, để trụ vững lâu dài đòi hỏi các doanh nghiệp của nước ta phải sớm tận dụng những tiềm năng và thế mạnh sẵn có của mình để đưa ra được những hướng đi hợp lý và bền vững.


Hùng Lê (ARID)