Chiều 1/12, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương dẫn đầu Đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với UBND tỉnh An Giang.
Tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình thấp
Là địa phương đang triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển thực hiện 3 Chương trình giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh An Giang là 3.643.022 triệu đồng (trong đó: vốn ngân sách trung ương là 1.328.873 triệu đồng; vốn đối ứng ngân sách địa phương là 2.314.149 triệu đồng).
Toàn cảnh buổi làm việc |
Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2023 là 1.118.437 triệu đồng; trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 là 870.253 triệu đồng; vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 là 248.184 triệu đồng.
Lũy kế giải ngân vốn năm 2023 đến ngày 15/11/2023 là 557.658/1.118.437 triệu đồng, đạt tỷ lệ 49,9%. Trong đó, giải ngân vốn năm 2023 là 392.263/870.253 triệu đồng, đạt tỷ lệ 45,1%; giải ngân vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 là 165.395/248.184 triệu đồng, đạt tỷ lệ 66,6%.
Tổng kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc trên địa bàn tỉnh năm 2023 là 473.612 triệu đồng, trong đó, vốn năm 2023 là 310.567 triệu đồng; vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 là 163.045 triệu đồng.
Lũy kế giải ngân vốn sự nghiệp năm 2023 đến ngày 15/11/2023 là 94.273/473.612 triệu đồng, đạt tỷ lệ 19,9%, trong đó, giải ngân vốn năm 2023 là 42.148/310.567 triệu đồng, đạt tỷ lệ 13,6%; giải ngân vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 là 52.125/163.045 triệu đồng, đạt tỷ lệ 32%.
Đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 71/110 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 64,54%); có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 8 ấp tại các xã biên giới, xã khó khăn đạt chuẩn “Ấp nông thôn mới”; bình quân tiêu chí/xã: 16,5 tiêu chí.
Hộ nghèo giai đoạn 2021-2022 giảm bình quân 1,02%/năm, trong đó, năm 2021 giảm 1,03%; năm 2022 giảm 1,01%, dự kiến năm 2023 giảm 1 - 1,2%. Hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2022 giảm bình quân 3,08%/năm, trong đó, năm 2021 giảm 3,01%; năm 2022 giảm 3,15%, dự kiến năm 2023 giảm 3 - 4%.
Nhiều nỗ lực đẩy mạnh thực hiện Tiêu chí số 7
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh An Giang cũng đã làm rõ thêm một số nội dung Báo cáo của tỉnh về tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, các đại biểu trong Đoàn công tác cũng đưa ra những ý kiến, đánh giá về việc triển khai 3 chương trình này.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước chia sẻ tại buổi làm việc |
Chia sẻ tại buổi làm việc, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đánh giá cao những nỗ lực mà An Giang đã triển khai nhằm đẩy mạnh thực hiện Tiêu chí số 7 về hạ tầng thương mại nông thôn. Đến nay, An Giang đã có 88,2% các xã trên địa bàn (97/110 xã) về đích Tiêu chí số 7 trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Việc triển khai thực hiện Tiêu chí số 7 rất thực chất. Đoàn đã đi kiểm tra tình hình thực tế tại chợ xã nông thôn mới nâng cao (chợ Cần Đăng A, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) và thấy được sự triển khai đúng theo hướng dẫn của Bộ Công Thương tại Quyết định số 1214/QĐ-BCT ngày 22/6/2022. Theo đó, chợ đã đạt được tiêu chí về mô hình chợ an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều chính sách thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nông thôn. Do đó, đã có nhiều hệ thống siêu thị về đây đầu tư. Đến nay, An Giang có 7 siêu thị, trung tâm thương mại; 59 hệ thống Bách hóa Xanh. Địa phương cũng có rất nhiều các chương trình xúc tiến thương mại. Năm 2023, địa phương đã triển khai chương trình 100 chuyến hàng về nông thôn. Đây được kỳ vọng là các chuyến hàng để tạo động lực cho các doanh nghiệp đặt được “chân hàng” của mình tại địa phương, cũng như phát triển hạ tầng thương mại nông thôn trong thời gian sớm nhất, phấn đấu 100% số xã đạt Tiêu chí số 7 về hạ tầng thương mại nông thôn.
Góp ý vào việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bà Lê Việt Nga cho hay, với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, riêng với nhóm hạ tầng thương mại, hiện An Giang có 5 chợ, trong đó, có 1 chợ xây mới, 4 chợ nâng cấp.
Hiện, UBND đang xem xét và chưa bố trí kinh phí cho hạng mục này, rất mong địa phương trong giai đoạn 2023 – 2025 sẽ bố trí kinh phí cho tối thiểu 1 chợ xây mới và 1 chợ cải tạo nâng cấp. Đối với các hạng mục chợ vùng đồng bào dân tộc, rất mong, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ có được ý kiến tham mưu từ khâu thiết kế, thẩm định, phê duyệt các hạng mục của Sở Công Thương An Giang.
"Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đang là điểm sáng của An Giang và đề nghị An Giang tiếp tục phát huy nhằm tạo đầu ra bền vững cho nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của địa phương nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng" - bà Lê Việt Nga đề nghị.
Triển khai các chương trình phải đi vào thực chất
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho biết, Đoàn công tác đánh giá cao những kết quả mà tỉnh An Giang đã đạt được trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Kết quả của các chương trình đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng.
Tuy nhiên, tỷ lệ số xã đạt nông thôn mới so với mức bình quân cả nước và cả vùng còn thấp, địa phương cũng chưa xác định rõ nguyên nhân, trong khi An Giang là tỉnh lớn, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, do đó, đề nghị địa phương cần đánh giá kỹ hơn. Đồng thời cần phân tích kỹ hơn số xã đạt tiêu chí thấp thì cần tập trung chủ yếu vào các tiêu chí nào để cải thiện.
Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương phát biểu kết luận buổi làm việc |
“Ví dụ như Tiêu chí số 4 về điện trong chương trình xây dựng nông thôn mới, mô hình của chúng ta ở đây là có đơn vị bán điện khác ngoài ngành điện. Địa phương cần có những phân tích, đánh giá, so sánh với các xã chưa đạt Tiêu chí số 4 thì thuộc đơn vị nào quản lý. Nếu ngành điện bán trực tiếp thì trách nhiệm đầu tư của ngành điện đến đâu, việc này cũng tương tự với các đơn vị bán điện ngoài ngành điện”, ông Ngô Quang Trung dẫn chứng.
Bên cạnh đó, ông Ngô Quang Trung cũng đề nghị An Giang tổng hợp số liệu, cung cấp chi tiết và làm rõ thêm bên cạnh báo cáo đã cung cấp cho Đoàn.
Về mức độ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp hơn so với mức bình quân, ông Ngô Quang Trung lưu ý đẩy nhanh tốc độ triển khai.
An Giang là tỉnh lớn, có vai trò rất quan trọng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, việc hoàn thành nhiệm vụ của An Giang với các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ tác động lớn đến khu vực và cả nước. Do đó, ông Ngô Quang Trung cũng đề nghị địa phương xem xét đánh giá lại những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2021 – 2023 với mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm, sát sao trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, có kế hoạch triển khai kịp thời để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Công tác thống kê, tổng hợp, báo cáo các chương trình cần thực hiện thường xuyên, liên tục và chuyển về các cơ quan đầu mối. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc triển khai các chương trình, thông tin kịp thời các kết quả đạt được cũng như các khó khăn vướng mắc.
Cũng theo ông Ngô Quang Trung, việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia mang ý nghĩa chính trị rất lớn, do đó, đề nghị địa phương đẩy mạnh phối hợp với cơ quan truyền thông trung ương và địa phương trong công tác thông tin tuyên truyền, để đông viên các mô hình, điển hình tiên tiến.
“Đề nghị phương xem xét đánh giá thực hiện tiêu chí nhưng không chạy theo thành tích. Chúng tôi có đi kiểm tra Tiêu chí chợ tại xã nông thôn mới nâng cao tại Cần Thơ, tuy nhiên, không cảm nhận được sự khác biệt so với xã nông thôn mới bình thường. Do đó, việc triển khai chương trình xã nông thôn mới nâng cao cần có sự chuyển biến về chất. Việc thực hiện các chương trình cần phải đi vào thực chất”, ông Ngô Quang Trung gợi mở thêm.
Ghi nhận các ý kiến góp ý trong Đoàn, bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho biết, sẽ giao Sở Kế hoạch Đầu tư phối hợp với các Sở, ngành bổ sung, hoàn thiện báo cáo theo các nội dung, đề nghị của Đoàn công tác.
Về tỷ lệ xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang nằm ở mức trung bình và thấp hơn với các tỉnh, thành phố trong vùng, bà Nguyễn Thị Minh Thúy lý giải, An Giang là tỉnh nghèo, có quy mô dân số lớn, địa bàn rộng, do đó việc đầu tư tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và chương trình nông thôn mới nói riêng tại địa phương là một sự nỗ lực rất lớn của An Giang.
Lý giải việc giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia chậm, bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho hay, nguyên nhân là do phân bổ vốn của Trung ương chậm. Cụ thể, ngày 22/5/2022, Trung ương mới ký quyết định về phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững việc hướng dẫn của bộ, ngành cũng chậm, có những quy định chung chúng khiến địa phương khó thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì đã khá rõ ràng và đủ điều kiện để An Giang triển khai thực hiện.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong khâu thực hiện chủ trương đầu tư cũng chậm dẫn đến chậm khâu giải ngân. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã gỡ được và chỉ còn là thực hiện, dự kiến nguồn vốn năm 2022, kéo dài đến 2023 sẽ giải ngân 100%.
"An Giang cũng xác định xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới nâng cao phải thực chất, chứ không phải theo mong muốn chính trị", bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết thêm.
Nguồn: congthuong.vn
Sưu tầm: Hải Đăng