Ngày 7/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị về cơ chế, chính sách quản lý phát triển cụm công nghiệp nhằm đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị định số 68 /2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP về phát triển cụm công nghiệp. Đại biểu tham dự Hội nghị đến từ các địa phương trong khu vực phía Bắc. Chủ trì Hội nghị, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương; ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.

Theo đánh giá từ Cục Công Thương địa phương sau 5 năm thực hiện Nghị định  68/2017/NĐ-CP (Nghị định 68), 2 năm thực hiện Nghị định 66/2020/NĐ-CP (Nghị định 66) đã tạo hành lang pháp lý quản lý, phát triển CCN thống nhất từ quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN đến đầu tư xây dựng hạ tầng, sản xuất trong CCN; đã quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN, thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ đối với phát triển CCN; kịp thời quy định, hướng dẫn thực hiện công tác quy hoạch CCN theo pháp luật quy hoạch, việc lựa chọn DN làm chủ đầu tư hạ tầng CCN; quy định, hướng dẫn công tác thống kê, báo cáo CCN. 

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tại Nghị định 68 và Nghị định số 66, Bộ Công Thương đã chủ động, kịp thời xây dựng, ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định, tổ chức các hội nghị phổ biến, quán triệt tới các địa phương để triển khai thực hiện. Các Bộ liên quan đã tham mưu ban hành các VBQPPL thuộc các lĩnh vực liên quan (môi trường, đất đai, ưu đãi đầu tư), trong đó có quy định rõ đối với CCN.

Các địa phương đã khẩn trương phổ biến, tuyên truyền triển khai thực hiện các Nghị định và các văn bản hướng dẫn; nhìn chung đã thực hiện nghiêm công tác quản lý, phát triển CCN theo trình tự, quy định của pháp luật. Trong đó, nhiều địa phương đã rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN đáp ứng nhu cầu đầu tư SXKD trên địa bàn; chất lượng công tác bổ sung, thành lập mới các CCN đã được nâng lên rõ rệt (xuất phát từ nhu cầu thực tế SXKD của các DN, đối với các CCN thành mới đã cơ bản thu hút được các DN đầu tư hạ tầng).

Nhiều địa phương đã rà soát xây dựng, ban hành Quy chế quản lý CCN theo quy định; cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi cho các DN đầu tư hạ tầng, sản xuất trong CCN. Một số địa phương ban hành quy định Sở Công Thương chủ trì thẩm định, trình UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư SXKD vào CCN; ban hành, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN; thu hút, lựa chọn các DN có năng lực, kinh nghiệm để giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN.

Việc phát triển CCN đã góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ở địa phương theo định hướng quy hoạch; đã có chuyển biến tích cực trong việc thu hút các DN/nhà đầu tư tiềm năng, lĩnh vực, ngành nghề tạo ra giá trị gia tăng cao. Thông qua hoạt động sản xuất của các DN trong CCN đã thúc đẩy nhanh chóng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của các địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động trên địa bàn, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước “ly nông bất ly hương” và xây dựng nông thôn mới. Các CCN làng nghề đã góp phần tích cực di dời các DN, cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Dù vậy, qua thực tế triển khai vẫn gặp một số khó khăn, trong đó việc phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xây dựng VBQPPL thuộc một số lĩnh vực (đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng) liên quan đến nội dung  CCN còn thiếu nhịp nhàng, đồng bộ, kịp thời,… dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện quản lý, phát triển CCN tại các địa phương. Cụ thể như sau:

Các địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP. Mặc dù việc chủ trì tham mưu phát triển CCN, ngành nghề SXKD trong CCN trên địa bàn cấp tỉnh (xác định mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, phát triển ngành nghề SXKD,...) thuộc chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của Sở Công Thương, nhưng việc hướng dẫn thu hút đầu tư, lập và thẩm định dự án đầu tư SXKD vào CCN theo pháp luật đầu tư lại thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sở Công Thương gặp khó khăn trong việc thực hiện vai trò cơ quan đầu mối quản lý về CCN trên địa bàn;

Luật Đầu tư công năm 2019 và Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công không đề cập đến tiêu chí phân loại dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN (dự án đồng bộ) nên các địa phương gặp khó khăn trong đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật CCN từ nguồn ngân sách nhà nước;

Khó khăn, vướng mắc liên quan đến áp dụng pháp luật đất đai: Theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành (Luật Đất đai, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai) thì đối với tổ chức sự nghiệp công lập thì chỉ có“Tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được cơ quan có thẩm quyền giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư thì được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án, được cho thuê lại đất sau khi đã đầu tư kết cấu hạ tầng,...”. Nhưng thực tế hiện nay tại các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn thì các tổ chức sự nghiệp công lập được giao làm chủ đầu tư hạ tầng CCN đa số chưa tự chủ được tài chính (không được thuê đất, cho thuê lại đất); vì vậy, các địa phương gặp khó khăn do pháp luật đất đai không quy định rõ việc cho thuê đất đối với dự án đầu tư SXKD trong CCN trong trường hợp này;

Hiện nay các địa phương đang gặp khó khăn trong việc xử lý chuyển giao các CCN do nhà nước làm chủ đầu tư, đã đầu tư một phần hoặc toàn bộ từ ngân sách nhà nước sang DN làm chủ đầu tư do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể;

Về quy hoạch phát triển CCN: Căn cứ Nghị định số 68/2017/NĐ-CP (trước đây là Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg), đa số các địa phương đã tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phát triển CCN theo quy định. Tuy nhiên, một số địa phương (như Lai Châu, Hà Nam, Cần Thơ, Bạc Liêu) không lập quy hoạch phát triển CCN giai đoạn qua nên gặp khó khăn trong đầu tư phát triển CCN. Về lập, trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 (trong đó có Phương án phát triển CCN) tại nhiều địa phương còn chậm, vì vậy nhiều địa phương phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, bổ sung nhiều lần để đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các DN.

Một số nội dung, quy định về phương án phát triển CCN, thành lập, mở rộng CCN, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, phát triển CCN,… cần được rà soát lại để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

 Về đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư: còn nhiều CCN chưa được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, đặc biệt hạ tầng xử lý môi trường, khó thu hút DN làm chủ đầu tư, hiệu quả đầu tư không cao; nguyên nhân chủ yếu do đa số các CCN này hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg, tại thời điểm đó, việc thu hút các DN làm chủ đầu tư hạ tầng CCN rất khó khăn, đặc biệt tại các vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, Duyên Hải miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Về phía các cơ quan Trung ương và nhiều địa phương chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để hoàn thiện đầu tư hạ tầng các CCN, thu hút các DN đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN và các DN thứ cấp vào CCN. Nguyên nhân chủ yếu là do NSTW và ngân sách địa phương còn hạn chế, chưa ưu tiên bố trí cho nội dung hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận: Nghị định 68, Nghị định 66 đã góp phần thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp, giúp công tác quản lý bài bản và hiệu quả hơn. Từ đó, tạo động lực cho phát triển ngành công nghiệp nói chung và tiểu thủ công nghiệp nói riêng. 

Tuy nhiên trong quá trình thực thi, có 1 số nội dung phát sinh từ sự chồng chéo giữa các băn bản quy phạm pháp luật, thực tiễn và những tồn tại từ lịch sử, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung 2 nghị định trên. 

“Bộ Công Thương đề cao các ý kiến đóng góp của địa phương xuyên suốt theo các nội dung từ công tác quy hoạch, triển khai, tác động liên quan và đề xuất các giải pháp. Bộ Công Thương sẽ tiếp thu, ghi nhận để áp dụng trong quá trình sửa đổi, xây dựng cơ chế chính sách mới cho cụm công nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng đồng thời phác ra những nét cơ bản trong định hướng sửa đổi Nghị định 66 và Nghị định 68. Cụ thể, về công tác quy hoạch sẽ cố gắng tích hợp đồng bộ và đơn giản hoá tối đa thủ tục hành chính.

Nội dung liên quan đến thành lập cụm công nghiệp sẽ kế thừa tinh thần Nghị định 66, Nghị định 68 để đồng bộ quy trình thành lập. Đồng thời hỗ trợ tối đa và cao nhất cho nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư thứ cấp.

Coi trọng yếu tố lựa chọn để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, cùng đó tận dụng ưu thế địa phương, sử dụng hiệu quả cao nhất tài nguyên đất, trong đó ưu tiên thu hút các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao. Đây là hướng mới trong nội dung dự thảo nghị định thay thế Nghị định 66 và Nghị định 68.

“Liên quan đến phân cấp, phân quyền chỉ định 1 đầu mối quản lý chung. Chúng tôi tiếp thu theo hướng Bộ tập trung ban hành hành lang pháp lý chung còn lại tôn trọng quyền tự quyết của địa phương nhất là tính đặc thù”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Về cơ bản, hành lang pháp ý liên quan đến phát triển cụm công nghiệp đã có nhưng đang rải rác ở một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Nghị định thay thế Nghị định 66 và Nghị đinh 68 sẽ cố gắng tích hợp toàn bộ nội dung phát triển cụm công nghiệp vào một văn bản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà quản lý địa phương và trong thực thi của doanh nghiệp.



Cục Công Thương địa phương (TQL-TTCN)