Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 là một trong những nội dung hoạt động của Chương trình khuyến công quốc gia của năm, nhằm tiếp tục lựa chọn các sản phẩm xuất sắc, tiêu biểu nổi trội trong các sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2020 để bình chọn, tôn vinh ở cấp quốc gia. Kết quả bình chọn làm cơ sở để tiếp tục hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn. Qua đó thu hút, khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT nói chung và các đơn vị có sản phẩm được bình chọn tích cực hơn trong việc duy trì sản xuất và phát triển sản phẩm có chất lượng cao, có tiềm năng và lợi thế của vùng và quốc gia.
Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được thực hiện trong giai đoạn vừa qua; năm 2021, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ tư. Trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp/cơ sở công nghiệp nông thôn gặp nhiều khó khăn, việc khuyến khích hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiểu biểu là việc làm cần thiết của các cơ quan chức năng. Theo đó, các sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực của các địa phương trên cả nước tiếp tục được cơ quan chức năng của địa phương lựa chọn gửi đăng ký tham gia bình chọn ở cấp quốc gia năm 2021.
Thực hiện quy trình bình chọn, nhằm lựa chọn được những sản phẩm đáp ứng cao nhất đối với các tiêu chí bình chọn; là những sản phẩm nổi trội, tốt về chất lượng, đẹp về hình thức, có khả năng phát triển sản xuất, có hiệu quả kinh tế cao. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thay vì Ban Giám khảo thực hiện chấm điểm trực tiếp trên hồ sơ và sản phẩm gửi đăng ký, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 đã được Hội đồng và Ban giám áp dụng phương thức chấm điểm trên hệ thống phần mềm chấm điểm điện tử của Cục Công Thương địa phương. Hình thức chấm điểm này này được đánh giá thuận tiện, giảm thủ tục hành chính và đảm bảo tính minh bạch, khách quan. Theo đó, Năm 2021 Hội đồng bình chọn cấp quốc gia đã tổ chức bình chọn, cấp giấy chứng nhận cho 200 sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021. Đây là số lượng sản phẩm được công nhận cao nhất đạt được qua 04 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia.
Clip giới thiệu 200 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 tải về hoặc xem tại đây.
Được tạo lên bởi nguồn nguyên vật liệu chủ yếu tại các địa phương trong nước và lực lượng lao động có kỹ năng, kinh nghiệm kết hợp với tư duy sáng tạo cùng với việc áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại vào sản xuất. Theo đó, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được bình chọn và tôn vinh ở cấp quốc lần này tiếp tục được Hội đồng bình chọn đánh giá là các sản phẩm thực sự đẹp về mẫu mã, tốt về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, có khả năng mở rộng phát triển sản xuất và có tính cạnh tranh cao,…
Phát biểu tại Lễ tôn vinh các sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; các tổ chức kinh tế, chính trị xã hội cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời cũng đề nghị các doanh nghiệp phát huy hơn nữa các thành quả đạt được, tiếp tục nghiên cứu đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển các sản phẩm cả về số lượng, chất lượng và đóng góp tích cực cho phát triển công nghiệp nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cùng với Lễ tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021, Bộ Công Thương còn tổ chức (kết hợp trực truyến) Hội nghị toàn quốc về công tác khuyến công năm 2021 và trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho 75 tập thể, 112 cá nhân có thành tích xuất sắc trong trong công tác khuyến công giai đoạn 2014-2020
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Ngô Quang Trung- Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho biết: Gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ đến nền kinh tế. Cả nước đang nỗ lực cao nhất, thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, chương trình khuyến công quốc gia (KCQG) và địa phương năm 2021 tiếp tục khắc phục những khó khăn, thách thức, huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư, ổn định phát triển, khôi phục sản xuất sau đại dịch.
Cũng tại tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao vai trò của khuyến công trong sự phát triển chung của ngành Công Thương. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận: Tuy gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài nhưng sản xuất CNNT vẫn có đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp, tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước,…
Dù ghi nhận những đóng góp của công tác khuyến công thời gian qua, tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng vẫn còn những điểm yếu cần tháo gỡ. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất chế biến tại khu vực nông thôn dù đã được quan tâm nhưng nhìn chung còn mức trung bình. Các nguồn lực về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị và tiếp cận với thị trường nước ngoài... trong các cơ sở CNNT còn hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư đổi mới công nghệ và thay đổi cơ cấu sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Tại Hội nghị, đại diện nhiều địa phương cùng chung kiến nghị: Bộ Công Thương quan tâm bố trí thêm kinh phí cho KCQG; hướng dẫn tổ chức bộ máy trung tâm khuyến công thống nhất trên cả nước; đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu.
TTCN-ARIT