Ứng dụng giải pháp công nghệ trong họp trực tuyến
Từ 31/3/2020, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh để hạn chế việc đi lại, tiếp xúc trực tiếp.
Đề nghị của Văn phòng Chính phủ nhằm mục đích hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước và đáp ứng yêu cầu cấp thiết liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính Phủ, ngay từ khi dịch Covid -19 bùng phát tại Việt Nam, nhận thức được vấn đề cần giảm thiểu họp, tiếp xúc trực tiếp để tránh nguy cơ lây lan của dịch bệnh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT và KTS) đã ngay lập tức liên hệ và có các buổi làm việc với các công ty công nghệ lớn tại Việt Nam nhằm nghiên cứu các giải pháp hội nghị trực tuyến tốt nhất hiện nay như: Microsoft Team, Zoom, Video, Cisco...
Ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và KTS cho biết, sau khi nghiên cứu, đánh giá các giải pháp, Cục đã lựa chọn giải pháp hội nghị, họp trực tuyến Microsoft Team, vì cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Hiện nay, Cục TMĐT và KTS đã cung cấp 150 tài khoản Microsoft Team để sử dụng tại Bộ Công Thương. Các cán bộ được cấp tài khoản bao gồm: Lãnh đạo Bộ, thư ký Lãnh đạo Bộ, cán bộ cấp Vụ trở lên của các đơn vị thuộc Bộ và đại diện các đơn vị thuộc Bộ, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và KTS thông tin.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang triển khai 3 phòng họp chuyên dụng, phục vụ riêng cho hội nghị trực tuyến, kết nối kênh truyền riêng của Chính phủ
Mới đây nhất, ngày 31/3/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tiến hành cuộc họp giao ban trực tuyến trên nền tảng này. Cuộc giao ban trực tuyến đã tạo động lực mới, cảm hứng mới cho toàn bộ đội ngũ.
“Hệ thống đã được khai thác có hiệu quả, nhằm đảm bảo hoạt động chỉ đạo điều hành, công tác tại Bộ Công Thương không bị gián đoạn ngay cả khi xảy ra tình huống cán bộ của Bộ bị cách ly, không thể đến cơ quan làm việc”, Phó Cục trưởng Nguyễn Thế Quang nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và KTS cũng cho biết, bên cạnh giải pháp hội nghị, họp trực tuyến Microsoft Team, hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang triển khai 3 phòng họp chuyên dụng, phục vụ riêng cho hội nghị trực tuyến, kết nối kênh truyền riêng của Chính phủ. Các phòng họp này đang được khai thác với tần suất rất cao, đặc biệt là từ cuối tháng 3 trở lại đây và ngay cả những ngày nghỉ.
Đổi mới cách thức chỉ đạo điều hành, từ truyền thống sang trực tuyến
Phó Cục trưởng Cục TMĐT và KTS Nguyễn Thế Quang cho biết, hệ thống văn bản điện tử Bộ Công Thương (iMOIT) được triển khai đồng bộ, toàn diện tại 30/30 đơn vị trực thuộc Bộ từ ngày 1/1/2016.
Đến nay, hệ thống iMOIT đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi nhận văn bản điện tử giữa cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước (Quyết định 28) và trở thành công cụ, môi trường làm việc thường xuyên của các cán bộ, công chức tại các đơn vị thuộc Bộ.
Cùng với đó, hệ thống iMOIT của Bộ cũng đã liên thông, kết nối đến Trục liên thông văn bản quốc gia (VDXP), phục vụ việc gửi nhận, liên thông văn bản điện tử của Bộ Công Thương với các cơ quan Chính phủ khác.
Thống kê cho thấy, năm 2019, hệ thống iMOIT đã giải quyết hơn 53.000 văn bản đến, hơn 17.000 văn bản đi (chiếm 95% tổng số văn bản của Bộ, trừ các văn bản mật).
Trong bão dịch Covid-19, ngành Công Thương chuyển đổi cách thức chỉ đạo, điều hành, từ truyền thống sang trực tuyến thông qua các hệ thống công nghệ thông tin như: hệ thống tư điện tử của Bộ, hệ thống văn bản điện tử Bộ...
Mặt khác, đối với hệ thống thư điện tử (email) của Bộ, 100% cán bộ, công chức các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã được cấp và sử dụng thường xuyên email MOIT trong công việc. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã triển khai Hệ thống quản lý điều hành eMOIT, cũng như cũng đã sử dụng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet).
Cùng với đó, Cổng Thông tin điện tử của Bộ cũng đã cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin chính thống của Bộ, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Các hệ thống công nghệ thông tin trên cơ bản đã đáp ứng đầy đủ hoạt động hàng ngày của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ, Phó Cục trưởng Cục TMĐT nhận định và nhấn mạnh, việc sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin này sẽ đổi mới cách thức hoạt động, chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ từ hình thức truyền thống sang trực tuyến, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, triển khai công việc của Lãnh đạo Bộ và các cán bộ trong Bộ, giảm thiểu tối đa việc gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp trong bối cảnh dịch Covid -19 còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Xử lý hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
Bộ Công Thương là một trong những Bộ đầu tiên triển khai Cổng Dịch vụ công (Cổng DVC) từ cuối năm 2016 (https://dichvucong.moit.gov.vn/). Cổng DVC của Bộ Công Thương là địa chỉ duy nhất để kết nối, liên thông và trao đổi dữ liệu đến Cổng dịch vụ công quốc gia và Cơ chế một cửa Quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
Hiện nay, Cổng dịch vụ công Bộ Công Thương đã triển khai 206 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 (trong đó có 144 DVCTT mức độ 3, 62 DVCTT mức độ 4).
Thống kê cho thấy Cổng dịch vụ công của Bộ đã có hơn 32.000 doanh nghiệp đăng ký và sử dụng, xử lý trung bình 5.000-6.000 hồ sơ/ngày. Tổng số hồ sơ DVCTT trong năm 2019 và 2 tháng đầu năm 2020 lần lượt là 1.540.792 và 244.707 hồ sơ, tương ứng 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.
Để đảm bảo cho hệ thống hoạt động xuyên suốt 24/7, Cục TMĐT và KTS cử cán bộ liên tục trực và kiểm tra, rà soát hệ thống. Cục cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sử dụng các DVCTT dưới hình thức điện thoại, email... đảm bảo người dân, doanh nghiệp luôn thực hiện DVCTT một cách tốt nhất.
Cổng dịch vụ công của Bộ Công Thương là địa chỉ duy nhất để kết nối, liên thông và trao đổi dữ liệu giữa các nơi, do vậy, để đảm bảo cho hệ thống hoạt động xuyên suốt 24/7, Cục TMĐT và KTS cử cán bộ liên tục trực và kiểm tra, rà soát hệ thống
Đối với các đơn vị thuộc Bộ đã triển khai đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, Cục TMĐT và KTS cũng kiến nghị các đơn vị cần tăng cường tiếp nhận hồ sơ điện tử, hạn chế tối đa tiếp nhận hồ sơ giấy để tránh việc tiếp xúc, gặp gỡ trong bối cảnh xảy ra dịch Covid-19.
Trong trường hợp các cán bộ của Bộ Công Thương bị cách ly, Cổng dịch vụ công Bộ Công Thương hoàn toàn đáp ứng được việc xử lý, xét duyệt hồ sơ hoàn toàn trong môi trường trực tuyến.
Trong thời gian vừa qua, Bộ đã xây dựng xong Hệ thống một cửa điện tử của Bộ Công Thương và đã đưa vào vận hành từ đầu tháng 7/2019, đáp ứng đúng tiến độ đã đề ra tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Thông tư số 01/2018/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Nguồn: congthuong.vn