Theo Phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17/11/2023), tỉnh Bến Tre quy hoạch 14 cụm công nghiệp với tổng diện tích 918 ha.  

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 8 cụm công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích 318 ha đều do Ban quản lý dự án đầu tư xât dựng cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp công lập khác làm chủ đầu tư; có 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích 299 ha đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết; có 4 cụm công nghiệp (tổng diện tích 161 ha) đã được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, toàn Tỉnh có 4 cụm công nghiệp với tổng diện tích 191 ha đi vào hoạt động; thu hút 29 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động, chủ yếu là lao động địa phương; đạt tỷ lệ lấp đầy 62%,  03 cụm công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng cơ bản, chưa có cụm công nghiệp nào có công trình xử lý nước thải chung đã đi vào hoạt động.

Công tác phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn các các cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh mặc dù đã thành lập và có quy hoạch chi tiết nhưng chưa giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp thuê để hoạt động sản xuất. Các huyện cũng đã vận động các doanh nghiệp tự ứng vốn để đền bù giải phóng mặt bằng tạo đất sạch, tiến hành đầu tư xây dựng nhà xưởng đi vào hoạt động; số tiền này sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm; tuy nhiên, đối với doanh nghiệp năng lực tài chính yếu thì gặp khó khăn đầu tư theo hình thức này. Bên cạnh đó, hạ tầng ngoài hàng rào các cụm công nghiệp cũng chưa đồng bộ (do đa số cụm công nghiệp nằm ở vùng kinh tế khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn) làm giảm tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Công tác kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp vẫn chưa có nhiều kết quả; các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, mở rộng chưa đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng môi trường theo quy định nên gặp khó khăn trong việc thu hút và quyết định đầu tư vào cụm công nghiệp.

Thời gian vừa qua, tỉnh Bến Tre đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Trong đó, chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, vừa kết nối với các hạ tầng kỹ thuật hiện có hoặc dự kiến để thuận lợi trong quá trình thực hiện đầu tư, vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Rà soát xây dựng, ban hành các quy định có liên quan nhằm cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất trong cụm công nghiệp.

Thêm vào đó, nhằm thu hút, kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần vào việc giảm chi ngân sách nhà nước, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 15/5/2018 về việc quy định chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Từ khi ban hành đến thời điểm hiện tại, mặc dù Sở Công Thương tỉnh Bến Tre đã phối hợp tích cực với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ngành có liên quan, các huyện, thành phố để xúc tiến thu hút đầu tư nhưng vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được đầu tư chủ yếu bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; theo Nghị quyết số 18/2024/NQ-HĐND ngày 29/10/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách Nhà nước tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025, sẽ bố trí 251,949 tỷ đồng để triển khai thực hiện 03 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp.

Trong giai đoạn tới tỉnh Bến Tre cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp;  tăng cường chỉ đạo, thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp để xã hội hóa đầu tư cụm công nghiệp./.

Anh Tuấn-CCN