Trong đề án tái cơ cấu sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại mới được phê duyệt gần đây, UBND thành phố Cần Thơ định hướng phát triển phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh, năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Với đề án này, Cần Thơ phấn đấu đến năm 2025 trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, tác động đến phát triển công nghiệp toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; giai đoạn đến năm 2030 phấn đấu có một số nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao, gắn với phát triển ổn định và bền vững trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng kinh tế của thành phố phấn đấu đạt từ 7,5-8,0%/năm, trong đó ngành công nghiệp và xây dựng phấn đấu tăng bình quân từ 9-9,5%/năm. Giai đoạn 2026-2030, kinh tế thành phố dự báo đạt bình quân khoảng 7-7,5%/năm, trong đó ngành công nghiệp và xây dựng của thành phố đạt mức tăng trưởng 7,5-8,0%/năm.

Từ mức dự báo tăng trưởng trên, dự kiến GRDP/người của thành phố theo giá hiện hành sẽ đạt khoảng 9.400-11.000 USD, tương đương với 125-146% mức trung bình của cả nước.

Căn cứ trên nhu cầu, thế mạnh và dự báo phát triển, thành phố phấn đấu tái cơ cấu theo 4 nhóm ngành công nghiệp chủ yếu, gồm: Nhóm sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất kim loại, máy móc, thiết bị, sản phẩm điện tử, máy vi tính; công nghiệp sản xuất và phân phối điện. Nhìn chung các ngành công nghiệp được định hướng phát triển với quy mô lớn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Song song với việc định ra các mục tiêu chiến lược, UBND cũng xây dựng giải pháp triển khai một cách tổng thể. Trong đó, thành phố cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư đến khâu triển khai thực hiện và đưa dự án vào hoạt động; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính, đảm bảo phần lớn các giao dịch hành chính được thực hiện qua mạng.  Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư của thành phố phù hợp với từng ngành, lĩnh vực công nghiệp với mức ưu đãi cao nhất; chỉ đạo ban hành chính sách tín dụng ưu đãi cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển của thành phố với cơ chế sử dụng nguồn vốn thương mại lãi suất thấp do ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất (khoảng 3%/năm) trong một thời hạn nhất định; áp dụng một số chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tín dụng, đất đai.

Thành phố cũng xây dựng chính sách tạo lập môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành hệ thống các doanh nghiệp dịch vụ tư vấn phát triển công nghiệp; phát triển tổng hợp các loại hình dịch vụ, đa dạng hóa quan hệ thị trường và đối tác hợp tác với sự tham gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ và lĩnh vực công nghiệp, thương mại.

Phát triển mạnh mẽ và đồng bộ thị trường khoa học - công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ trên địa bàn thành phố; xây dựng sàn giao dịch công nghệ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ; tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu được cấp chứng nhận, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp công nghiệp trong thành phố. Đẩy mạnh công tác truyền thông về môi trường nhằm tăng cường thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với môi trường; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất về đất đai, vốn, thuế theo các quy định của pháp luật.


TTCN-ARIT