Năm 2017 là năm then chốt trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, năm đầu triển khai các Nghị quyết và chủ trương lớn được Quốc hội thông qua. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các doanh nghiệp “Tăng cường kỷ cương,  đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”. Theo đó, Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP) tập trung triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Thực hiện Quyết định số 47/QĐ-BCT ngày 09/01/2017 của Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Cục CNĐP được phân công làm đầu mối cùng Tổng cục Năng lượng, Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

Đến nay cả nước có 6.822 xã đạt chuẩn nông thôn mới về điện, chiếm 76% tổng số xã trên cả nước, tăng 3% so với năm 2016. Trong đó, có 11 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 100% tổng số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí điện, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ. Về tiêu chí số 7 – chợ nông thôn, đến nay cả nước có 4.050 xã đạt chuẩn nông thôn mới về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chiếm 45,1% tổng số xã trên cả nước, tăng 6,9% số xã so với năm 2016 (chưa tính các xã chưa có chợ do nhu cầu thực tế chưa cần xây dựng chợ và không có chợ trong quy hoạch). Một số tỉnh, thành phố có số xã đạt chuẩn nông thôn mới về chợ chiếm tỷ lệ cao so với tổng số xã trên địa bàn như: TP. Hồ Chí Minh (100%), Đà Nẵng (99%), Bắc Ninh (92,8%), Thừa Thiên Huế (85,6%).

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chương trình công tác năm 2016 của Ban chỉ đạo TW Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ  và chỉ đạo Cục CNĐP phối hợp với Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, định kỳ hàng tháng thực hiện báo cáo tổng hợp, phân tích thông tin thị trường về một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo, tiêu, điều… Các nội dung này được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục CNĐP; phát hành dưới dạng ấn bản điện tử tới 63 Sở Công Thương trong cả nước, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới một số tỉnh, thành phố và một số hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp lớn xuất khẩu các mặt hàng trọng điểm.

Theo Quyết định số 507/QĐ-BCT ngày 21/02/2017 của Bộ Công Thương về việc thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, Cục CNĐP được giao thực hiện 2 nội dung: (1) Mức độ cạnh tranh ở địa phương; (2) Mức độ phát triển cụm liên kết ngành.

Theo đó, Cục CNĐP là đầu mối tổ chức các hội nghị gặp mặt, làm việc, đối thoại của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước để trao đổi, bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giúp đỡ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho các địa phương: Bạc Liêu, Cà Mau, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Hà Giang, Nam Định, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Bình Định; phối hợp giải quyết kiến nghị của các tỉnh: Lào Cai, Quảng Ngãi, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Cao Bằng, Thừa Thiên Huế; phối hợp tổ chức các chương trình, hội nghị, hội chợ thương mại tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, như: Hội nghị Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2017; Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 tại tỉnh Đắk Lắk; Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 của tỉnh Nghệ An; Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên; Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2017…; triển khai các đề án khuyến công quốc gia hỗ trợ hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh: Quảng Trị, Gia Lai…

Triển khai Quyết định số 2454/QĐ-BCT ngày 16/6/2016 của Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Cục CNĐP hiện đã hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và trình Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 10807/BCT-CNĐP ngày 11/11/2016 và đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành. Cục cũng đang tích cực sửa đổi, bổ sung các  các Thông tư: Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công và Thông tư số 36/2013/TT-BCT ngày 27/12/2013 của Bộ Công Thương quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia (được giao tại Quyết định số 5144/QĐ-BCT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2017). Đồng thời, đang tiến hành tổng hợp các đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT theo hướng phù hợp với thực tế, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện đề án Khuyến công quốc gia.

 

Arid