Công việc còn lại của khuyến công Thừa Thiên Huế những tháng cuối năm còn khá nặng nề, Sở Công Thương đề nghị Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Trung tâm) Tỉnh đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm tiến độ kế hoạch đã đặt ra.

Tổng kinh phí hoạt động khuyến công năm 2018 của Tỉnh là 1,784 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 200 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương là 1,584 tỷ đồng. Ngay từ khi kế hoạch được phê duyệt, Trung tâm đã nhanh chóng phối hợp với các đối tượng thụ hưởng thực hiện đề án.

Tính đến cuối quý II/2018, đã có 11 đề án khuyến công địa phương được phê duyệt và thực hiện với kinh phí 539 triệu đồng; đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong đúc công nghiệp” do kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ đang được Trung tâm phối hợp với Công ty cổ phần Phương Minh triển khai.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã thực hiện tốt dịch vụ tư vấn, đem lại thêm nguồn thu và bù sang các hoạt động khác. Tổng doanh thu thực hiện trong 6 tháng đầu năm đạt 680 triệu đồng, đạt 52,5% kế hoạch năm,

Từ những kết quả đạt được những tháng đầu năm 2018 cho thấy, khối lượng công việc còn lại của khuyến công Thừa Thiên Huế còn khá nhiều. Trong khi đó, lực lượng cán bộ làm công tác khuyến công của Tỉnh rất thiếu. Tại các huyện, một cán bộ kiêm nhiệm 3 - 4 nhiệm vụ nên công tác khuyến công không được quan tâm đúng mức.

Cùng đó, số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) chủ động đăng ký đề án khuyến công còn hạn chế; nhiều cơ sở CNNT có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, do đó thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh và mở rộng mặt bằng, cũng không đủ điều kiện thuê đất trong cụm công nghiệp (CCN).

Công tác xây dựng nội dung kế hoạch của các địa phương trong Tỉnh chưa cụ thể, thiếu khảo sát thực tế từ nhu cầu của các cơ sở và thực tế thị trường khiến xảy ra tình trạng đề án đã được duyệt và đưa vào kế hoạch nhưng cơ sở không đủ khả năng thực hiện.

Ngoài ra, công tác quản lý, nhất là thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh còn khó khăn. Nhu cầu vốn đầu tư cho các CCN quá lớn, trong khi nguồn vốn thực hiện đầu tư còn thấp, dẫn đến hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng chưa tốt cũng làm giảm khả năng thu hút đầu tư vào các CCN.

Để khắc phục những bất cập trên, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế yêu cầu Trung tâm tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2018, bảo đảm đúng nội dung, tiến độ, khuyến khích các ngành nghề công nghiệp nông thôn phát triển. Theo đó, sát sao thực hiện và đẩy nhanh các đề án đã được phê duyệt, nhất là các đề án khuyến công địa phương.

Phối hợp với phòng Kinh tế, Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị xã để hướng dẫn, tư vấn cho các đơn vị xây dựng hồ sơ thủ tục theo đúng yêu cầu. Kịp thời bổ sung, điều chỉnh danh mục các đề án trên cơ sở danh mục đăng ký của các cơ sở CNNT và đề xuất của UBND các huyện, thị xã trên địa bàn Tỉnh nhằm hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2018.

Về giải pháp tăng thu hút đầu tư vào CCN, Tỉnh sẽ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nhằm kêu gọi đầu tư vào các CCN trên địa bàn. Cân đối nguồn lực địa phương, bố trí vốn đầu tư hạ tầng, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các CCN trên địa bàn. Tuy nhiên để giải quyết tận gốc vấn đề này, Bộ Công Thương cần quan tâm bố trí nguồn kinh phí hàng năm từ nguồn khuyến công quốc gia để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho các CCN.


TBT
 

Tin đã đăng