Để các hoạt động khuyến công được thực hiện phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa, các cơ sở công nghiệp nông thôn bắt kịp với sự chuyển dịch của nền kinh tế, ngày 25/10, tại Hòa Bình, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội thảo Công tác Khuyến công và các vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế..  

 Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những nội dung về công tác khuyến công tại địa phương, công tác chủ động phòng vệ thương mại của cơ sở công nghiệp nông thôn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, những cơ hội và thách thức với các cơ sở công nghiệp nông thôn trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cơ hội và thách thức đối với cơ sở công nghiệp nông thôn

Trong bối cảnh hiện nay, hội nhập quốc tế toàn cầu diễn ra rất sâu rộng trên toàn thế giới, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài cho các các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng. Thị trường nước ngoài rất tiềm năng, mang lại nguồn lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với thị trường trong nước. Tuy nhiên điều này dễ khiến cho một số doanh nghiệp Việt chỉ nhằm vào lợi ích kinh tế mà quên đi lợi ích tổng thể.

Thực tế cho thấy, đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa có năng lực tài chính, hoạt động kinh doanh và trình độ khoa học kỹ thuật cũng như khả năng tiếp cận công nghệ còn hạn chế, vì vậy chưa xoay chuyển được mô hình sản xuất kinh doanh để bắt kịp xu thế.

Theo ông Phùng Gia Đức, Điều tra viên thuộc Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), nếu các doanh nghiệp Việt xuất khẩu mà không có chiến lược rõ ràng, xuất khẩu với số lượng quá lớn, xuất khẩu giá quá thấp so với giá thị trường thế giới… sẽ dẫn đến mâu thuẫn về lợi ích đối với các ngành sản xuất trong nước và nước ngoài, khiến chính phủ các nước điều tra và áp dụng thuế phòng vệ thương mại đối với doanh nghiệp Việt Nam.

“Việc này hoàn toàn có thể tránh nếu doanh nghiệp có chiến lược rõ ràng, hiểu về thị trường, có chính sách phù hợp về giá. Chính vì vậy, đòi hỏi các nhà sản xuất trong nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp cần có sự phối hợp thông tin với cơ quan Chính phủ của Việt Nam, cơ quan đại diện và đối tác nước ngoài” – ông Phùng Gia Đức nhấn mạnh.

Thay đổi để hội nhập

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được kỳ vọng trở thành động lực cho sự phát triển vượt bậc của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, công tác khuyến công cần tập trung khai thác các tiềm năng, phát triển công nghiệp khu vực nông thôn nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản phẩm mới có giá trị kinh tế, thân thiện với môi trường, đồng thời cung cấp các kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho các cán bộ làm công tác khuyến công, các doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn.

Ông Vũ Xuân Khải, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình khẳng định: “Để hội nhập toàn cầu, doanh nghiệp cần nỗ lực thay đổi trình độ quản trị doanh nghiệp, sẵn sàng đón làn sóng công nghệ mới, biến thành động lực phát triển, đem lại lợi ích cho chính doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, đối với người lao động, cần phải nhanh chóng tiếp cận khoa học công nghệ, làm chủ được thiết bị, máy móc, nâng cao năng suất lao động”.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú trọng đổi mới, cải tiến công nghệ, gia tăng giá trị sản phẩm. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn và các tổ chức cá nhân tham gia quản lý, thực hiện các công tác khuyến công tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Bắc nhanh chóng tiếp cận các kiến thức, chính sách, bắt kịp Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bổ sung ý kiến của ông Vũ Xuân Khải, ông Phùng Gia Đức, cho biết: “Các cơ quan quản lý nhà nước đã thường xuyên cập nhật thông tin từ thị trường trong và ngoài nước để cung cấp đến các doanh nghiệp Việt thông qua website của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, nguồn thông tin hữu ích cũng được cung cấp thông qua các buổi tập huấn, hội thảo của Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Công Thương địa phương và Sở Công Thương các tỉnh thành... Chính vì vậy, để tiếp cận với nguồn kiến thức, các doanh nghiệp cần chủ động tham khảo các nguồn thông tin chính thống đã được chắt lọc”.
 

TBT.

Tin đã đăng