Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam trung bình đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (4 HP/ha), Trung Quốc (8 HP/ha), Hàn Quốc (10 HP/ha).

Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu gần 70% số máy móc phục vụ nông nghiệp, phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tại đồng bằng sông Cửu Long, việc cơ giới hóa canh tác được thực hiện chủ yếu trong ngành trồng lúa, mía đường. Ngược lại, tỷ lệ này còn rất thấp với các cây trồng cạn khác ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Trên thực tế, có rất nhiều loại máy nông nghiệp, phụ thuộc vào quy trình canh tác, thu hoạch các loại cây trồng khác nhau, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của từng vùng miền.

Hiện nay, ngành Cơ khí phục vụ nông nghiệp đang phải đối mặt với hai vấn đề quan trọng cần giải quyết. Thứ nhất là chất lượng kim loại của chi tiết máy nông nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, chủ yếu ở các khâu công nghệ rèn, đúc chi tiết máy, công nghệ gia công và công nghệ nhiệt luyện để tăng độ bền và tuổi thọ chi tiết máy. Thứ hai là chất lượng nguồn nhân lực, hiện chủ yếu chỉ đào tạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc” tại các xưởng cơ khí nông thôn, trong khi các trường đại học có xu hướng thu hẹp quy mô đào tạo lĩnh vực cơ khí vì đầu tư cơ sở vật chất tốn kém (các loại máy để thực hành).

Thực tế này cho thấy ngành cơ khí nông nghiệp hiện nay còn nhiều yếu kém, chưa có sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Bản thân Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nhưng việc tổ chức thực thi chưa đem lại kết quả như mong đợi.

Thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tại Khoản 6, Điều 2 của Quyết định này quy định: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương trình Chính phủ đề xuất việc bổ sung xe tải nhẹ sức chở đến 3 tấn và xe nông dụng nhỏ nhiều chức năng vào danh mục máy, thiết bị; bổ sung dự án sản xuất xe nông dụng nhỏ nhiều chức năng vào Danh mục các dự án đầu tư theo chủ trương của Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp”. Bộ Công Thương tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện quy định này.

Để tiếp tục hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, với Phụ lục Danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm từ năm 2017 đến năm 2025, theo đó có sản phẩm máy kéo và máy nông nghiệp gồm: các loại  máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp; các loại máy canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp, các kho bảo quản sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp.

Đồng thời đề xuất đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp: Tăng cường hoạt động khoa học và công nghệ, nghiên cứu triển khai cho các sản phẩm máy cơ khí phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, như công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy hải sản xuất khẩu; chế biến rau quả, chế biến thực phẩm, cơ khí phục vụ nông nghiệp và công nghệ chế biến nông sản; cơ khí sửa chữa, hóa chất...

Tổ chức tốt công tác theo dõi, tổng hợp thông tin thị trường trong và ngoài nước về tình hình tiêu thụ các loại máy nông nghiệp; đồng thời, tích cực khảo sát thị trường, nghiên cứu so sánh sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh, qua đó tham mưu, đề xuất việc nghiên cứu chế tạo sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường; nghiên cứu đề xuất thị trường trọng điểm.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động marketing, xúc tiến thương mại, xây dựng chiến lước quảng bá sản phẩm tại thị trường nước ngoài; đẩy mạnh việc tham gia một số triển lãm quốc tế về máy động lực và máy nông nghiệp; tổ chức tập huấn kỹ thuật sử dụng, sửa chữa bảo quản máy nông nghiệp; tổ chức các hội nghị thao diễn đầu bờ để giới thiệu sản phẩm máy nông nghiệp; xúc tiến mở rộng chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân khi mua máy nông nghiệp do Việt Nam sản xuất …

TBT