Mục tiên lớn nhất của Quy hoạch điện VII là phát triển ngành điện gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm cung cấp đủ điện nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội. Việc phát triển đảm bảo cân đối giữa nguồn phát và nhu cầu theo từng miền, ưu tiên gần nguồn phụ tải, giảm truyền tải từ vùng này sang vùng khác, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện hạt nhân để giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng cường nhập khẩu điện. Theo quy hoạch, tổng vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng (tương đương với 48,8 tỷ USD). Trong cả giai đoạn 2011 - 2030, nhu cầu đầu tư khoảng 2.359 nghìn tỷ đồng (tương đương 123,8 tỷ USD). Tới năm 2015, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu phải đạt khoảng 194-210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330-362 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 695-834 tỷ kWh. Theo quy hoạch, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) sẽ được đặc biệt ưu tiên nhằm tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% (năm 2010) lên 4,5% (năm 2020) và đạt 6% vào năm 2030.
Đặc biệt, đưa nguồn điện gió chiếm tỷ trọng từ 0,7% (1.000 MW) năm 2020 lên 2,4% (khoảng 6.200 MW) vào năm 2030. Đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 9.200 MW hiện nay lên 17.400 MW vào năm 2020. Phát triển các nhà máy nhiệt điện với tỷ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bố của các nguồn nhiên liệu. Các nguồn thủy điện tham gia chống lũ, cấp nước, sản xuất điện cũng được ưu tiên phát triển. Khuyến khích đầu tư mới bằng lưới điện quốc gia hoặc nguồn điện tại chỗ (thủy điện nhỏ, cực nhỏ; pin mặt trời, gió kết hợp với nguồn diezel) để cấp điện cho khu vực nông thôn. Phấn đấu đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam vào vận hành năm 2020; đến năm 2030 nguồn điện hạt nhân có công suất 10.700 MW, sản xuất khoảng 70,5 tỷ kWh (chiếm 10,1% sản lượng điện sản xuất).
Với mục tiêu đến năm 2015 có 100% số xã và 98,6% số hộ nông thôn có điện; đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện, quy hoạch dự kiến, giai đoạn 2011-2015, đầu tư mở rộng lưới điện quốc gia cung cấp cho 500.000 hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 377.000 hộ dân nông thôn. Giai đoạn 2016-2020, đầu tư cấp điện mới từ lưới quốc gia cho 200.000 hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 231.000 hộ dân nông thôn.
Cũng theo quy hoạch, cùng với mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh, sẽ từng bước hình thành, phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Nhà nước chỉ giữ độc quyền lưới điện truyền tải để đảm bảo an ninh hệ thống năng lượng quốc gia.
Theo: Công thương điện tử