Chương trình khuyến công được triển khai ngày càng nhiều nội dung với mục tiêu tạo thuận lợi và giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn lao động có chất lượng trong sản xuất, đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm hao tổn nguyên liệu, tiết kiệm điện năng, từ đó nâng cao thu nhập cho người lao động và lợi nhuận. Đặc biệt trong năm 2018, dưới sự định hướng của Cục Công Thương địa phương, Sở Công Thương Thanh Hóa đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng xây dựng đề án khuyến công quốc gia điểm với nội dung: “Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển chế biến lâm sản giai đoạn 2018-2020”, bước đầu đạt được hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai các hoạt động khuyến công, tỉnh Thanh Hóa còn gặp một số khó khăn, tồn tại như: Đa phần các cơ sở CNNT trên địa bàn nhỏ lẻ, nguồn vốn hạn hẹp, công nghệ thiết bị còn lạc hậu, thị trường tiêu thụ chưa chủ động được nhất là xuất khẩu; năng lực quản lý và điều hành của doanh nghiệp còn hạn chế; trình độ tay nghề người lao động cũng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác khuyến công.
Bên cạnh đó, quá trình lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch khuyến công cho năm sau, đối với nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, tại thời điểm thẩm định (năm xây dựng kế hoạch), cơ sở CNNT chưa mua máy móc (nếu mua trong năm xây dựng kế hoạch thì không được hỗ trợ). Do đó, Hội đồng thẩm định chỉ đánh giá về mặt lý thuyết của dây chuyền máy móc dựa trên dự án đầu tư hoặc catalogue do đơn vị trình và tính chính xác sẽ không cao. Đây cũng là vấn đề bất cập hiện nay khi triển khai hai nội dung này.
Ngoài ra, mặc dù là địa phương có nhiều sản phẩm CNNT, tuy nhiên việc triển khai công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, nhiều năm nay tỉnh Thanh Hóa cũng chưa thực hiện được, do gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức bình chọn từ các cấp dưới cũng như thiếu cán bộ chuyên trách để làm cầu nối triển khai.
Để nâng cao chất lượng công tác khuyến công, Sở Công Thương Thanh Hóa đã đề ra một số giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến văn bản về khuyến công nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các tổ chức quản lý nhà nước, người dân và sự nhiệt tình của doanh nghiệp; triển khai tập huấn nghiệp vụ quản trị doanh nghiệp, maketing cho các đối tượng là lãnh đạo, cán bộ quản lý của các cơ sở CNNT, nhằm hỗ trợ cho họ tiếp cận với hệ thống kiến thức mới, tiên tiến để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị được tốt hơn;
Đẩy mạnh triển khai các đề án điểm giai đoạn từ 3-5 năm, nhằm hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, thực sự là động lực giúp các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực có thế mạnh của địa phương, của vùng phát triển bền vững. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đối tác đầu ra cho sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ trong và ngoài nước, là cầu nối để các doanh nghiệp đến với nhau, tạo điều kiện quảng bá phát triển thương hiệu sản phẩm. Tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công nhất là trong lĩnh vực sản xuất sạch hơn, xử lý ô nhiễm môi trường; phương pháp tiếp cận, xây dựng đề án và tổ chức triển khai.
Đặc biệt, để có được đề án khuyến công có chất lượng, phải gắn kết giữa Sở Công Thương với các huyện, thị xã, thành phố và các hiệp hội. Thông qua đó nắm bắt được những khó khăn và nhu cầu của từng cơ sở CNNT, từ đó mới có cách giải quyết để hỗ trợ, tháo gỡ có hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ về hạ tầng cụm công nghiệp, làng nghề, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm CN, các cơ sở CNNT, bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cũng là mục tiêu ưu tiên cần quan tâm. Do đó, để công tác khuyến công thực sự là động lực thúc đẩy phát triển CN-TTCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Sở Công Thương Thanh Hóa đề nghị Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương cần quan tâm hơn nữa, hỗ trợ thêm kinh phí hàng năm để cùng với khuyến công địa phương triển khai được nhiều đề án trong những năm tới, đáp ứng yêu cầu phát triển CN-TTCN của Tỉnh.
Đề nghị Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương hướng dẫn chi tiết hơn nội dung hỗ trợ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho các cụm công nghiệp, cơ sở CNNT; giới thiệu và hỗ trợ cho Trung tâm được tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tổ chức, Trung tâm đã và đang hoạt động khuyến công có hiệu quả trên địa bàn cả nước.
TBT