Các mô hình trình diễn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ đang được xem là một trong nhưng giải pháp hiệu quả để làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng quy mô sản xuất. Bắc Ninh cũng là địa phương đã thực hiện thành công một số mô hình trình diễn, và mang lại những hiệu quả tích cực đối với doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế địa phương.

Mặc dù nhu cầu đổi mới công nghệ sản xuất là một nhu cầu thiết yếu đối với các doanh nghiệp sản xuất, tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư thiết bị thường rất cao, khiến cho nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn còn đắn đo trong việc triển khai. Chính vì thế, việc xây dựng các đề án mô hình trình diễn kỹ thuật được xem là một phương án hiệu quả trong hoạt động khuyến công quốc gia, để khuyến khích và thúc đẩy quá trình đầu tư kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.

Hiện nay, trong lĩnh vực sản xuất bao bì carton, các doanh nghiệp trong nước phần lớn vẫn sử dụng hệ thống máy móc cũ, đã qua sử dụng. Các công đoạn làm ra thành phẩm còn thủ công, chất lượng thấp và không đồng bộ. Bao bì sản xuất ra có mẫu mã xấu, vỏ bao nhăn nhúm, do vậy, không thể cạnh tranh được với các sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài. Trước thực trạng đó, để khuyến khích phát triển ngành sản xuất bao bì trên địa bàn Tỉnh, trong năm 2017 Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện hỗ trợ Công ty in và bao bì Châu Thái Sơn thực hiện đề án “Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bao bì Carton cao cấp”, và cho đến nay mô hình đã thu được những hiệu quả tốt khi đưa vào hoạt động. Ông Đỗ Lữ Dũng - đại diện Công ty TNHH in và bao bì Châu Thái Sơn cho biết: Tổng nguồn vốn đầu tư, xây dựng nhà xưởng, mua sắm dây chuyền sản xuất của đề án là hơn 240 tỷ đồng. Trong đó, Trung tâm Khuyến công Bắc Ninh hỗ trợ 500 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2017. Sau một thời gian triển khai đề án, đến nay mô hình sản xuất bao bì carton cao cấp của Công ty đã hoạt động tốt, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Với công suất 9.600 tấn sản phẩm bao bì carton cao cấp, dự kiến hàng năm sẽ đem lại doanh thu cho Công ty khoảng 388 tỷ đồng. Đồng thời, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động, góp phần ổn định kinh tế, xã hội tại địa phương.

Thông thường các mô hình trình diễn là những đề án sản xuất với nguồn vốn đầu tư lớn, và được xây dựng với mục tiêu nhân rộng trên địa phương và cả nước, vì vậy để nhận được hỗ trợ trong xây dựng các mô hình trình diễn, đòi hỏi doanh nghiệp phải thỏa mãn được một số điều kiện nhất định, qua đó trình lên Sở Công Thương địa phương để xem xét tính khả thi.

Ông Trần Văn Hiện - Giám đốc Trung tâm Khuyến công (TTKC) tỉnh Bắc Ninh cho biết: Các đề án phải sử dụng những công nghệ vượt trội, có tính hiệu quả cao … Đa số các mô hình trình diễn khi được nghiên cứu triển khai đều có hiệu quả vượt trội so với trước. Để có kết quả đó, điều quan trọng là phải lựa chọn mô hình phù hợp lợi thế địa phương, có phương án kinh doanh hợp lý.

Đối với mô hình sản xuất bao bì carton cao cấp, dây chuyền của Công ty In và Bao bì Châu Thái Sơn có công nghệ hiện đại với rất nhiều công đoạn tự động hóa, ngoài việc có năng suất, chất lượng ổn định cao, dây chuyền có khả năng đáp ứng hầu hết các yêu cầu định hình sản phẩm, các đơn hàng đòi hỏi độ phức tạp, chính xác cao về mặt thẩm mỹ… Chính vì những ưu điểm đấy, dù mới đưa vào hoạt động được gần 1 năm, đến nay công ty đã nhận được nhiều đơn hàng từ các đối tác lớn khác, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm. Hiện tại, trên địa bàn huyện Quế Võ, tính đến thời điểm này chưa có đơn vị nào sản xuất mặt hàng này, do đó tiềm năng phát triển là rất lớn.

Ông Trần Văn Hiện - Giám đốc TTKC tỉnh Bắc Ninh cho biết thêm: Chính các mô hình trình diễn sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong khu vực trong tỉnh có được cái nhìn toàn diện hơn về việc cải tiến, đổi mới trang thiết bị, để từ đó các doanh nghiệp cân nhắc đầu tư, đổi mới….

Mặc dù đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đã giúp nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn Tỉnh thay đổi diện mạo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hỗ trợ quá ít so với tổng mức đầu tư của đối tượng thụ hưởng nên chưa đủ khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Nhiều doanh nghiệp mong muốn được tăng mức hỗ trợ kinh phí, đồng thời Nhà nước có thêm các giải pháp hỗ trợ về thị trường, kỹ thuật,... để giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đóng góp tích cực vào sự phát triển ngành công nghiệp của Tỉnh.

TBT
 

Tin đã đăng