Hải Phòng là một trong những trung tâm lớn của cả nước về sản xuất, xuất khẩu sản phẩm da giày. Trong nhiều năm qua, sản xuất da giày là một trong những ngành công nghiệp chủ lực, bên cạnh những đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của Thành phố, ngành da giày còn mang lại hiệu quả xã hội rất lớn đó là tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động trên địa bàn.

Hiện nay, khu vực nông thôn của Hải Phòng có hàng trăm cơ sở sản xuất gia công giày dép, tuy nhiên hầu hết các cơ sở gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tuyển dụng lao động đã qua đào tạo; các doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu lao động có tay nghề.

Nắm bắt tình hình thực tế đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hải Phòng (Trung tâm) đã phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng của các huyện triển khai tổ chức nhiều khóa đào tạo ngắn hạn về ngành may mũ giày cho lao động tại địa phương thông qua các đề án khuyến công quốc gia. Hầu hết số lao động sau khi được đào tạo đã được các doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc với thu nhập ổn định. Các đề án đào tạo nghề đã phát huy được lợi thế sử dụng lao động tại chỗ, được chính quyền các cấp ủng hộ và đánh giá cao.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hải Phòng tiếp tục xây dựng đề án “Đào tạo nghề may công nghiệp” (may mũ giày) cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng trình Bộ Công Thương phê duyệt. Theo Quyết định số 4768/QĐ-BCT ngày 14/12/2018, đề án đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt với tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia là 900 triệu đồng, đến nay đang được triển khai thực hiện. Mục tiêu của đề án là tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 500 lao động nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới. Sau khi đào tạo, các học viên hiểu và nắm bắt được nội dung cơ bản về nghề may mũ giày công nghiệp, thực hiện thành thạo các công việc, quy trình sản xuất trên dây chuyền thiết bị may chuyên dụng. Ngoài kỹ năng về nghề, người lao động còn được trang bị những kiến thức cơ bản về chính sách lao động, quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động; các nguyên tắc an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ,…

Đại diện các đơn vị thụ hưởng đã cam kết tích cực chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác tổ chức lớp học, bố trí truyền giảng lý thuyết gắn với thực tế sản phẩm, tạo điều kiện để học viên tiếp nhận được lượng kiến thức cần thiết, nắm vững tay nghề vào làm việc tại cơ sở.

Việc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động sẽ góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh của sản phẩm, giảm bớt khó khăn về lao động có tay nghề, giúp cơ sở sản xuất phát triển ổn định, đảm bảo an sinh xã hội. Góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sản xuất giày dép.

TBT