Trung tâm khuyến công Bắc Giang được giao 3 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng. Các đề án đều thuộc nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất.

Cụ thể, đề án“Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất cát nhân tạo” thực hiện tại Hợp tác xã Quốc Tuấn (xã Yên Định, huyện Sơn Động), thiết bị được hỗ trợ là máy nghiền cát có công suất 86.400 m3/năm; đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất hàng may mặc xuất khẩu” tại Công ty cổ phần VINAHAN (xã Song Mai, thành phố Bắc Giang), thiết bị hỗ trợ là 1 máy nhồi lông vũ tự động có công suất 30 kg/giờ; đề án“Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất bao bì nhựa plastic” tại Công ty TNHH An Quang Hưng (phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang) thiết bị hỗ trợ là 1 máy cắt liên hoàn có tốc độ cắt 150x2pcs/min, 2 line.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, các đề án đã được nghiệm thu, hệ thống máy móc thiết bị cũng đã hoạt động ổn định và tạo hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các đơn vị thụ hưởng.

Nói về hiệu quả đầu tư tại cơ sở, đại diện Hợp tác xã Quốc Tuấn cho biết: Nhờ ứng dụng máy nghiền cát vào quy trình sản xuất đã tạo ra loại cát xây dựng đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu xây dựng công trình công nghiệp, dân dụng, cầu, đường, bê tông nhựa macrosell…Thiết bị này còn góp phần hạ giá thành cát xây dựng trên địa bàn huyện Sơn Động. Dự kiến sau khi đạt 100% công suất, doanh thu của Hợp tác xã sẽ đạt khoảng 1,1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 triệu - 6 triệu đồng/người/tháng.

Sau thời gian đưa máy nhồi lông vũ tự động vào quy trình sản xuất, đại diện Công ty cổ phần VINAHAN cũng cho hay: Thiết bị này có ưu điểm cân chính xác, có bộ phận sấy, đảo làm cho lông vũ luôn khô và tơi. Trong quá trình vận hành khi hết nguyên liệu máy có tính năng tự động hút lông lên thùng chứa và có hệ thống thu hồi lông thừa giúp cho phòng nhồi lông vũ luôn sạch sẽ, bảo đảm sức khoẻ cho người lao động. Đặc biệt, hệ thống thiết bị này có năng suất bằng 10 công nhân làm trực tiếp. Sau một năm đi vào sản xuất, hệ thống máy móc, thiết bị mới được hỗ trợ đầu tư dự kiến giúp doanh nghiệp đạt khoảng 80 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 8 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 500 lao động với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy với những kết quả đã đạt được, Bắc Giang đã thực hiện rất tốt nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất từ nguồn hỗ trợ của khuyến công quốc gia. Đây cũng là địa phương được đánh giá có nhiều hoạt động khuyến công sôi nổi, hiệu quả với nhiều chương trình, dự án sát với thực tiễn.

Theo đại diện Sở Công Thương Bắc Giang, để tiếp tục thực hiện tốt và tạo sức lan tỏa cho chương trình khuyến công quốc gia, Bắc Giang sẽ bám sát hơn nữa cơ sở, cập nhật thông tin, tạo cơ sở dữ liệu về công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời nắm bắt nhu cầu, đồng thời xây dựng các đề án khuyến công mang nhiều tính mới và khai thác được lợi thế địa phương. Tăng cường hoạt động bám sát cơ sở CNNT nhằm khảo sát và xây dựng các đề án hỗ trợ sát với nhu cầu.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh tăng cường hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, tiết kiệm năng lượng tạo nguồn thu và hỗ trợ thực hiện các hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả hơn. Thực hiện tốt các chương trình, nội dung phối hợp hoạt động giữa Sở Công Thương với các tổ chức của Tỉnh như: Liên minh Hợp tác xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa... trong triển khai nhằm đa dạng nội dung và huy động thêm nguồn vốn cho hoạt động khuyến công.


TBT

Tin đã đăng