Chương trình khuyến công quốc gia đã hỗ trợ gần 40 cơ sở CNNT xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến, giới thiệu công nghệ mới, sản phẩm mới trên địa bàn cấp huyện; đồng thời làm mô hình điển hình khuyến khích các cơ sở CNNT khác tham quan, học tập, đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất. Mặc dù, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ không lớn, nhưng với ý nghĩa nguồn “vốn mồi” đã giúp các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa quy trình sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu và bảo vệ môi trường giúp phát triển bền vững. Các mô hình được xây dựng trong thời gian qua chủ yếu tập trung trong các ngành nghề như chế biến nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất thực phẩm - đồ uống,…
Xuất phát từ thực tế công tác triển khai hoạt động khuyến công thời gian qua đồng thời đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, năm 2017, Cục Công Thương địa phương (CTĐP) đã phối hợp với các đơn vị có liên quan trình Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 20/2017/TT-BCT ngày 29/9/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công. Theo đó, đối với đề án khuyến công quốc gia xem xét hỗ trợ xây dựng trên địa bàn cấp huyện 01 mô hình ứng dụng công nghệ mới và 01 mô hình sản xuất sản phẩm mới chưa có cơ sở nào ứng dụng hoặc sản xuất. Điểm mới ở Thông tư 20/2017/TT-BCT là riêng đối với các huyện thuộc địa bàn ưu tiên được quy định tại khoản 1 Điều 6 của Thông tư số 46/2012/TT-BCT gồm các huyện vùng cao, hải đảo, biên giới đất liền, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền; các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; các địa bàn trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hàng năm hay từng giai đoạn; các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn xác định theo quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư, được hỗ trợ 02 mô hình cho cùng một nội dung phổ biến công nghệ mới hoặc sản xuất sản phẩm mới, nhưng mô hình thứ hai không thuộc địa bàn cùng xã với mô hình thứ nhất. Đối với đề án khuyến công địa phương, tùy theo điều kiện thực tế Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định số lượng mô hình trình diễn để phổ biến công nghệ mới hoặc sản xuất sản phẩm mới được hỗ trợ trên địa bàn.
Mô hình trình diễn là một hoạt động khuyến công cụ thể được xây dựng làm điểm mới trong khu vực nhằm làm mẫu để các cơ sở CNNT tham quan học tập, từ đó có thể nhân ra diện rộng. Là phương thức hiệu quả trong thực hiện các mục tiêu của hoạt động khuyến công nên nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật cho các cơ sở CNNT tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh. Năm 2018, chương trình khuyến công quốc gia sẽ hỗ trợ xây dựng khoảng 25 mô hình trình diễn kỹ thuật cho các cơ sở CNNT tập trung vào ngành nghề chế biến nông - lâm sản, sản xuất các sản phẩm phục vụ tiêu dùng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo.
TBT