Trong đó, Nghị định của Chính phủ về khuyến công cũng đã quy định các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT), trong đó ưu tiên các chương trình, đề án thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; địa bàn các xã trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; huyện vùng cao, hải đảo, biên giới đất liền; vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ.
Theo đó, các chương trình, đề án hỗ trợ cho các cơ sở CNNT thông qua hoạt động khuyến công, phát triển cụm công nghiệp đã góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, cụ thể: Trong công tác hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trung bình đạt trên 90%, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại nông thôn. Hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật đã thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong việc đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm ngày càng có chất lượng cao; đồng thời giảm dần cách tổ chức sản xuất tự phát, manh mún và kém hiệu quả; từ sản xuất thủ công, bán thủ công, sang đầu tư máy móc, công nghệ tiên tiến, hiện đại, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu; giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các hoạt động: Hỗ trợ cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; xây dựng thương thiệu; giới thiệu ký kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ đầu tư hạ tầng và lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp;… đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cơ sở CNNT.
Năm 2018 thực hiện công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cả nước bình chọn được 244 sản phẩm CNNT cấp khu vực trong số 543 sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn. Trong đó, có 79 sản phẩm (chiếm 32,38%) của các cơ sở CNNT đóng trên các địa bàn 61 huyện trên 31 tỉnh vùng dân tộc, miền núi và các huyện nghèo đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực.
Bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được, việc thực hiện công tác dân tộc cũng còn nhiều mặt hạn chế khó khăn. Nguồn lực đầu tư phát triển trên địa bàn vùng dân tộc miền núi còn thấp và chủ yếu dựa vào ngân sách của Trung ương, nên chưa đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, giao thông và sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, việc huy động các nguồn lực khác để phát triển hạ tầng theo hướng xã hội hoá gặp nhiều khó khăn.
Tiếp tục thực hiện công tác dân tộc giai đoạn tới, đối với các hoạt động khuyến công cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành hiểu rõ, thấy rõ trách nhiệm và lợi ích của chính sách dân tộc; kết hợp, lồng ghép tốt hơn giữa các chương trình, dự án, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội đối với các khu vực khó khăn nói riêng cũng như các chương trình, dự án, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội chung để bảo đảm kết hợp thực hiện tốt chính sách dân tộc. Huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, các nguồn lực xã hội một cách hiệu quả và thực chất hơn trong việc thực hiện chính sách dân tộc.
Arit (Moit)