Ngày 28/2/2023, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023” với chủ đề cơ hội xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Phi. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị.

Hội nghị thu hút trên 400 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí đăng ký tham dự.

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Tận dụng các Hội nghị giao ban làm kênh trao đổi nhanh chóng

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay: Hội nghị giao ban với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hàng tháng đã ghi nhận những phản hồi tích cực cùng sự quan tâm của đông đảo hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Tiếp nối thành công của các kỳ hội nghị trước, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023” với chủ đề “Cơ hội xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường châu Á – Thái Bình Dương và châu Phi”.

Với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD. Có thể nói, với lợi thế về nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, ngành chế biến thực phẩm còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.

Bên cạnh đó, dù có sức cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới nhưng các mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam phần nhiều vẫn chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, qua đường tiểu ngạch và đang chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực ASEAN, châu Á hay của chính khách hàng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam là Trung Quốc.

Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ điều hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hiện đang rất ưu tiên các nguồn đạm thực vật thay thế cho nguồn đạm từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ.

“Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng nên nhìn nhận như cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam nắm bắt và phát triển”- ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng đề nghị: Hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò trong hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.

“Các Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất-nhập khẩu cần tận dụng các Hội nghị giao ban làm kênh trao đổi nhanh chóng, cụ thể nhu cầu hỗ trợ xúc tiến xuất nhập khẩu các mặt hàng tiềm năng và thế mạnh ra thị trường thế giới, kiến nghị đối với Bộ Công Thương và đặc biệt các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, hỗ trợ các ngành hàng làm tốt công tác thị trường, thực hiện xuất nhập khẩu hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển ngày càng vững mạnh của nền thương mại Việt Nam”- ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Thông tin mới về diễn biến nước sở tại đối với sản phẩm thực phẩm chế biến

Xuất phát từ nhu cầu địa phương, ông Đặng Việt Phương- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ - thông tin: Phú Thọ có diện tích và sản lượng chè và chuối lớn. Đây cũng là mặt hàng địa phương chú trọng xuất khẩu trong năm 2023, mục tiêu lớn nhất là thị trường Bangladesh. “Năm 2023 Phú Thọ đăng cai tổ chức hội nghị chuyên đề về xuất khẩu chè, thành phần tham gia dự kiến 50 doanh nghiệp, hiệp hội chè, Sở Công Thương và cơ quan xúc tiến thương mại các địa phương. Chúng tôi mong muốn đại diện Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tham gia và quảng bá mạnh mẽ hơn nữa cho ngành chè Phú Thọ”, ông Đặng  Việt Phương mong muốn.

Đại diện cho khối hiệp hội, bà Nguyễn Thị Thu Liên- Trưởng Ban kết nối, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch tại Hà Nội - cũng bày tỏ mong muốn: Bộ Công Thương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành viên hiệp hội tham gia các hội chợ lớn ở nước ngoài giúp quảng bá rộng rãi hơn sản phẩm và thương hiệu nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam; được kết nối với thương vụ ở các quốc gia và các vùng thị trường, mục tiêu cụ thể là thị trường Nhật Bản.

Bà Nguyễn Thị Thu Liên cũng đề xuất: Thương vụ chia sẻ quy định của nước sở tại về các tiêu chuẩn quản lý chất lượng, yêu cầu về bao bì… Để hiệp hội phân tích, rút ra thông tin thị trường cho hội viên.

Cũng tại hội nghị, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Australia, Algeria, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản đã thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến.

Chia sẻ về thị trường Algeria, ông Hoàng Đức Nhuận- Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Algeria – thông tin, mặc dù Chính phủ Algeria thực hiện chính sách hạn chế nhập khẩu với những mặt hàng trong nước có thể sản xuất, nhưng nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam vẫn có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường này, như cà phê chưa rang xay, tiêu, gia vị, hạt điều, cá basa, cá ngừ, sữa bột .

“Do Algeria là quốc gia Hồi giáo, vì vậy chứng chỉ Halal là điều điều kiện cần để hàng hoá có thể nhập khẩu vào thị trường này. Đối tác Algeria ưu tiên tiếp xúc trực tiến và có nhu cầu cao với hàng hoá có giá cả vừa phải. Doanh nghiệp xuất trong nước lưu ý các yếu tố này khi xuất khẩu hàng hoá sang Algeria”- ông Hoàng Đức nhuận lưu ý.

Liên quan đến các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, ông Nguyễn Phú Hoà- Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Australia – cũng cho biết, thời gian qua nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất hiện trên thị trường Australia như tôm, cá tra, ba sa đã được sơ chế, chế biến được bán với số lượng lớn. Tuy nhiên, Australia có tiêu chuẩn nghiêm ngặt với các mặt hàng thực phẩm chế biến; bao bì sản phẩm chú trọng đến yếu tố môi trường; xuất xứ hàng hoá cũng phải được ghi rõ ràng và nổi bật trên bao bì sản phẩm.

Đối với doanh nghiệp đang có đơn hàng chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Úc cần đảm bảo việc hàng hóa đã đáp ứng các điều kiện nhập khẩu an toàn sinh học và chuẩn bị đầy đủ tài liệu nhập khẩu tối thiểu theo quy định của Australia; đảm bảo các thùng chứa hàng hóa và thực phẩm nhập khẩu phải tuân thủ đúng yêu cầu, sạch sẽ để hạn chế các rủi ro sẽ ảnh hưởng tới tiến độ kiểm tra hàng hóa.

Để hỗ trợ tăng xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường Australia, Thương vụ Việt Nam ở nước sở tại đang và tiếp tục nỗ lực tăng sự hiện diện của gian hàng Việt Nam tại các hội chợ tại Australia. Thực hiện các chương trình tăng trải nghiệm của người tiêu dùng Australia với hàng Việt Nam. Đưa hàng Việt Nam tới các bang xa.

“Doanh nghiệp trong nước gửi hàng mẫu trưng bày tại khu vực trưng bày hàng hoá Việt Nam tại Australia nhằm tăng tính nhận diện và quảng bá cho hàng Việt”-ông Nguyễn Phú Hoà đề xuất.

Trong khi đó, tại thị trường Malaysia, ông Lê Phú Cường - Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia – thông tin, có nhiều cơ hội cho thực phẩm chế biến của Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang Malaysia. Nguyên do: Thiếu hụt nguồn cung nội địa của Malaysia; hình thức bán lẻ của nước sở tại phát triển ngày một nhanh; thu nhập khả dụng của người dân có xu hướng cao, yêu cầu với sản phẩm chất lượng cao; người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Malaysia lớn là kênh quảng bá và tiêu thụ tốt mặt hàng thực phẩm chế biến.

Tuy nhiên, cũng như các quốc gia hồi giáo khác, thị trường Malaysia yêu cầu chúng chỉ Halal với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, quy trình này khá phức tạp và tốn kém cho doanh nghiệp. Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia xác định phải cạnh tranh gay gắt với hàng hoá đến từ Trung Quốc, Australia… “Thương vụ Việt Nam tại Malaysia sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang thị trường nước sở tại”- ông Lê Phú Cường cam kết.

Tập trung thực hiện những nội dung trọng tâm

Đánh giá cao các thông tin cập nhật chính sách và khuyến nghị thiết thực của hệ thống Thương vụ ngoài nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hy vọng những thông tin đó sẽ giúp ích cho các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp về định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hết sức khó khăn về thị trường từ nay đến cuối năm.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu, thay mặt Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, cần nắm bắt diễn biến chính sách của nước sở tại, kể cả chính sách thị trường khu vực, từ đó đề xuất phản ứng chính sách phù hợp ở cả cấp quốc gia và doanh nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp, duy trì, mở rộng thị trường truyền thống, mở rộng danh mục và quy mô hàng hóa và giá trị xuất khẩu. Cân bằng thương mại với những thị trường truyền thống. Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước hợp tác đầu tư, nhất là hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Hợp tác trong việc mua nguyên liệu để phục vụ cho ngành sản xuất trong nước. Đồng thời tìm kiếm phát triển thị trường mới, tiềm năng.

Thứ ba, cần tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài theo hình thức B2B. Thông qua hệ thống thương vụ để phổ biến các quy cách, tiêu chuẩn hàng hoá, tập quán tiêu dùng, tiếp cận phương thức sản xuất mới phù hợp và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hợp tác đầu tư.

Thứ tư, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu trong từng ngành hàng, dự án để phục vụ cho hợp tác đầu tư, kinh doanh với doanh nghiệp trong nước và là tài liệu trao truyền cho thế hệ khác.

Cuối cùng, thương vụ kết nối với doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương trong nước để tổ chức cho doanh nghiệp thương mại nước ngoài có cơ hội về thăm Việt Nam, tiếp cận vùng trồng, vùng nuôi và cơ sở sản xuất của Việt Nam. Ngược lại, tổ chức và hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội ra nước ngoài và quảng bá sản phẩm.

Về phía doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị liên hệ thường xuyên và chặt chẽ với các vụ thị trường ngoài nước, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá và tiềm năng thế mạnh của mình. “Thương vụ rất cần sản phẩm để trưng bày tại Đại sứ quán nước sở tại. Doanh nghiệp có thể hỗ trợ để quảng bá và cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm ngay tại đây”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Cục Xúc tiến thương mại cần nghiên cứu lập cẩm nang về danh mục, quy cách hàng hoá và tiêu chuẩn kỹ thuật theo từng khu vực thị trường để giúp doanh nghiệp, hiệp hội tham khảo.

Bên cạnh đó, Vụ thị trường ngoài nước phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại triển khai Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và các hoạt động xúc tiến thương mại một cách hiệu quả.

Đối với các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị: Thứ nhất, cố gắng cử đại diện là người thực hiện hoặc có quyền quyết định dự và thông báo, khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, hiệp hội ngành nghề tại địa phương tham dự Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ hàng tháng.

Thứ hai, chỉ đạo quyết liệt để xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương và thực hiện thành công đề án xuất khẩu theo chính ngạch.

Thứ ba, kết nối chặt chẽ hơn với các thương vụ để tổ chức doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của địa phương đi đến các thị trường ngoài nước và sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu đến với địa phương mình để kết nối thương mại và đầu tư.

Thứ tư, địa phương thông qua các tổ chức, cơ chế có sự phân bổ để hỗ trợ trưng bày sản phẩm tại các phòng trưng bày sản phẩm của Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Cuối cùng, để phát triển sản xuất, tổ chức xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu thương mại điện tử trong tương lai, các địa phương trong xây dựng quy hoạch cần chú trọng quy hoạch, đầu tư, phát triển hệ thống logistics phục vụ các hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại điện tử.

 

Nguồn: moit.gov.vn