Theo báo cáo được trình bày tại Hội nghị, kết quả hoạt động khuyến công 6 tháng đầu năm 2019 của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, cụ thể như sau: Tổng kế hoạch kinh phí khuyến công công năm 2019 được duyệt của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là trên 85,865 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6/2019, toàn vùng đã thực hiện đạt 16,578 tỷ đồng.
Cụ thể, các địa phương trong vùng đã hỗ trợ được 47 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào dây chuyền sản xuất; hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 1 cơ sở; tổ chức 3 hội chợ, hỗ trợ 115 lượt cơ sở CNNT tham gia; hỗ trợ thực hiện việc đăng ký và xây dựng thương hiệu cho 4 cơ sở CNNT; hỗ trợ 3 dự án tư vấn lập dự án đầu tư, marketing, quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp và kết quả của các hoạt động liên quan khác,....
Theo đánh giá từ Cục Công Thương địa phương, mặc dù các tỉnh, thành phố trong khu vực đã tích cực triển khai hoạt động. Tuy nhiên, đến nay mới có một số địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai được đề án khuyến công quốc gia điểm. Việc đăng ký và triển khai thực hiện các đề án khuyến công ở một số địa phương chưa thực sự bám sát nhu cầu cơ sở khiến tính khả thi chưa cao. Công tác thẩm định cấp cơ sở đối với đề án đăng ký hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia vẫn còn hạn chế; có đề án thẩm định còn mang tính thủ tục nên khi triển khai thực hiện còn gặp khó khăn vướng mắc dẫn đến phải ngừng, điều chỉnh, gia hạn thời gian thực hiện.
Nhằm bảo đảm hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công của năm, Cục Công Thương địa phương đã đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực rốt ráo thực hiện các giải pháp.
Theo đó, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường theo dõi, đôn đốc đơn vị thực hiện đề án khuyến công đảm bảo đúng tiến độ, quy định; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ làm cơ sở để xem xét đánh giá năng lực thực hiện và khen thưởng về công tác khuyến công năm 2019; tổ chức nghiệm thu cơ sở và kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí khuyến công thực hiện trên địa bàn đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và đúng các quy định hiện hành.
Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Cục Công Thương địa phương, các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2020; rà soát nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng; xây dựng đề án điểm, đề án nhóm; giảm khảo sát, thực hiện các đề án dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp.
Áp dụng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khuyến công được ban hành trong thời gian qua nhằm triển khai hiệu quả công tác khuyến công. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công đáp ứng kịp thời với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với bối cảnh tình hình mới. Trên cơ sở Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức khuyến công được Bộ Công Thương ban hành, các địa phương chủ động phổ biến văn bản, tập huấn nghiệp vụ về hoạt động khuyến công.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác khuyến công trên địa bàn. Kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ lãnh đạo Trung tâm khuyến công và các phòng chuyên môn, chi nhánh cấp huyện, hệ thống khuyến công viên cấp huyện, xã đủ mạnh về số lượng và chất lượng. Mở rộng phương thức và cải tiến nội dung thông tin tuyên truyền để chuyển tải đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về cơ chế, chính sách, các hoạt động khuyến công và công nghiệp địa phương tới các cơ sở CNNT.
Đẩy mạnh hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp của các Trung tâm khuyến công, tạo nguồn thu và hỗ trợ thực hiện các hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, ngoài các hoạt động khuyến công theo đề án có hỗ trợ tài chính, cần tăng cường các hoạt động tư vấn hỗ trợ phi tài chính cho các cơ sở CNNT.
Đặc biệt, các địa phương trong khu vực tăng cường liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành Công Thương và hoạt động khuyến công. Từ đó, phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời liên kết khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng lợi thế của cả vùng.
TTCN - Arit