Ngày 13/10 đã diễn ra Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XII, năm 2022. Hội nghị nằm trong chuỗi sự kiện ngành Công Thương do Cục Công Thương địa phương và UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp tổ chức.

Kết quả tích cực

Theo báo cáo được trình bày tại Hội nghị, năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã rất nỗ lực trong triển khai công tác khuyến công. Tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2021 của các địa phương khu vực phía Nam là 50,3 tỷ đồng, đạt 79,6% so với kế hoạch năm (63,2 tỷ đồng). Trong đó, khuyến công quốc gia (KCQG) có tổng kinh phí thực hiện là 13,9 tỷ đồng, đạt 99,25% so với kế hoạch (14 tỷ đồng), đạt 99,3% và chiếm 27,6% kinh phí khuyến công toàn vùng; khuyến công địa phương (KCĐP) có tổng kinh phí thực hiện là 36,4 tỷ đồng, đạt gần 74% so với kế hoạch (49,2 tỷ đồng), chiếm 72,4% kinh phí khuyến công toàn vùng. Một số địa phương bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương ở mức khá trong khu vực cho hoạt động khuyến công là: Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang...

Từ kết quả đạt được, Cục Công Thương địa phương ghi nhận nỗ lực của các đia phương khu vực phía Nam khi đã tích cực phối hợp rà soát, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) để duy trì, ổn định sản xuất. Hoạt động khuyến công cơ bản bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình và được cụ thể hoá bằng các đề án có quy mô, chất lượng ngày càng được nâng cao; đã xây dựng được các đề án khuyến công dạng nhóm, đề án điểm với các nội dung hoạt động khuyến công hỗ trợ đa dạng, có chất lượng và tập trung trọng tâm, trọng điểm trong chế biến nông, thủy sản nhằm phát huy các lợi thế so sánh của địa phương về nguồn nguyên liệu sẵn có để thúc đẩy phát triển CNNT, hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển bền vững.

Việc triển khai các hoạt động khuyến công cơ bản đáp ứng được yêu cầu chung, tổ chức hệ thống khuyến công được quan tâm đầu tư, kết nối hoạt động hiệu quả. Công tác xây dựng, thẩm định đề án, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện và thanh quyết toán các đề án khuyến công ở nhiều địa phương có chuyển biến tích cực. Cán bộ làm công tác khuyến công có nơi còn hạn chế về số lượng và chất lượng chuyên môn nhưng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc hoàn thành các đề án theo kế hoạch.

Đặc biệt, hoạt động chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được các địa phương quan tâm, đẩy mạnh đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất CNNT. Điều này đã khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, cơ sở CNNT cố gắng duy trì sản xuất để vượt qua khó khăn giai đoạn khó khăn do tác động dịch bệnh, tìm cơ hội, thích nghi với điều kiện bình thường mới. Tạo cho các cơ sở CNNT và địa phương có sự nhìn nhận tích cực về hiệu quả hỗ trợ của Nhà nước. Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục tạo được thêm nguồn thu cho một số đơn vị.

Tập trung cho những nội dung trọng tâm

Kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2021 được các địa phương khu vực phía Nam phát huy trong 9 tháng năm 2022 với kinh phí khuyến công toàn vùng đã thực hiện ước đạt 38,4 tỷ đồng, đạt 37,6% kế hoạch năm. Trong đó, kinh phí kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) thực hiện 5,7 tỷ đồng, kinh phí (KCĐP) thực hiện 32,7 tỷ đồng.

Năm 2022, do nguồn ngân sách phân bổ kinh phí chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai công tác khuyến công, tuy nhiên, các tỉnh, thành phố đã linh hoạt sử dụng nguồn kinh phí và ưu tiên cho các nội dung phát huy hiệu quả nhanh và có khả năng nhân rộng cao.

Trong đó, nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn là điển hình. Tính đến hết tháng 9, các địa phương đã triển khai ký hợp đồng KCQG với các đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật mới; hỗ trợ được 114 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào dây chuyền sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 1 cơ sở CNNT… kinh phí thực hiện 23,9 tỷ đồng. Đây cũng đồng thời là nội dung chiếm ưu thế về kế hoạch kinh phí (63,7% kinh phí khuyến công toàn vùng ) so với các nội dung khác thuộc chương trình khuyến công.

Hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT cũng là nội dung “điểm”, 9 tháng các địa phương đã hỗ trợ 274 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm; hỗ trợ tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cho 220 lượt cơ sở CNNT; hỗ trợ đầu tư phòng trưng bày cho 5 cơ sở CNNT...; kinh phí thực hiện trên 6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, 20 tỉnh, thành phía Nam cũng dành nguồn lực triển khai các nội dung khác của chương trình khuyến công, như: Hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT; hỗ trợ tư vấn thông tin phát triển CNNT, công tác truyền thông; hỗ trợ nâng cao năng lực tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công.

Nỗ lực về đích đạt mục tiêu

Theo đánh giá từ Cục Công Thương địa phương, hoạt động khuyến công của khu vực phía Nam cơ bản bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình và được cụ thể hoá bằng các đề án có quy mô, chất lượng ngày càng được nâng cao; xây dựng được các đề án khuyến công dạng nhóm, đề án điểm với các nội dung hoạt động khuyến công hỗ trợ đa dạng, có chất lượng. Công tác xây dựng, thẩm định đề án, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện và thanh quyết toán các đề án khuyến công có chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã đầu tư nhiều nguồn lực xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã. Các đề án được triển khai đã khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở CNNT duy trì sản xuất, tìm cơ hội, thích nghi với điều kiện bình thường mới.

Dù vậy, công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, thẩm định cấp cơ sở và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, có nơi mang tính thủ tục, việc đăng ký kế hoạch thường xuyên chậm so với quy định. Một số địa phương trong khu vực nhìn chung còn chưa mạnh dạn xây dựng đề án điểm có quy mô, tạo tính lan tỏa và phát huy lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt, do ngân sách Trung ương phân bổ cho chương trình KCQG chậm phần nào làm ảnh hưởng tới tính kịp thời của chính sách hỗ trợ các cơ sở CNNT trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh hậu Covid-19. Một số đơn vị chưa theo sát tình hình sản xuất của các cơ sở CNNT dẫn đến đề án phải ngừng hoặc điều chỉnh. Điều này cũng ảnh hưởng tới tiến độ triển khai kế hoạch khuyến công của các địa phương trong khu vực.

Để công tác khuyến công về đích thành công trong khi thời gian còn lại của năm 2022 không nhiều, các địa phương khu vực phía Nam đang rốt ráo thực hiện các giải pháp gỡ khó, tạo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng và cơ quan quản lý hoàn thành nhiệm vụ.

Cụ thể, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án KCQG, tạm ứng, thanh quyết toán kinh phí đối với các hợp đồng đã ký. Bám sát diễn biến tình hình của cơ sở CNNT, đặc biệt là các đối tượng tại vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh gặp khó khăn trong triển khai đúng tiến độ đề án để có hỗ trợ kịp thời. Tăng cường bố trí ngân sách địa phương cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn và chú trọng lồng ghép các dự án, chương trình mục tiêu khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển CNNT.

Về triển khai các nội dung hoạt động khuyến công, các tỉnh, thành phố trong khu vực tiếp tục tập trung hỗ trợ nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến nhằm giúp các cơ sở CNNT tạo ra được những sản phẩm tiêu biểu, có chất lượng, có giá trị sử dụng cao đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Nâng cao năng lực tư vấn phát triển CNNT của các tổ chức dịch vụ công, tạo nguồn thu và hỗ trợ thực hiện các hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả hơn.

 

 

 

 

Tin đã đăng