Kết quả hoạt động khuyến công năm 2021 và 9 tháng năm 2022
Theo báo cáo, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2021 của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 50,3 tỷ đồng, đạt gần 80% so với kế hoạch năm. Các hoạt động khuyến công đã hỗ trợ 168 cơ sở CNNT xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới và ứng dụng máy móc tiên tiến và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hỗ trợ bình chọn 245 sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp cho 197 lượt cơ sở CNNT; hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu, in dán nhãn logo chương trình bình chọn cho 23 cơ sở CNNT; tổ chức đào tạo nghề cho 108 lao động, trên 80% lao động có việc làm sau đào tạo; đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn cho 516 đối tượng là cán bộ quản lý điều hành của các cơ sở CNNT; tổ chức được 4 hội thảo, tập huấn chuyên đề cho 120 đại biểu tham dự. Ngoài ra, các địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ khuyến công quy mô nhỏ; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công,...
Năm 2022, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 102,2 tỷ đồng, cao hơn 61,7% so với kế hoạch năm 2021. Ước thực hiện 9 tháng đầu năm 2022, kinh phí toàn vùng đã thực hiện ước đạt 38,4 tỷ đồng, đạt gần 38% kế hoạch năm, cao hơn gần 93% so với thực hiện 9 tháng năm 2021.
9 tháng năm 2022, hỗ trợ được 114 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào dây chuyền sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ 274 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm; hỗ trợ tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cho 220 lượt cơ sở CNNT; hỗ trợ đầu tư phòng trưng bày cho 5 cơ sở CNNT; đào tạo nghề cho 152 lao động, trên 99% lao động có việc làm sau đào tạo; đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn cho 285 người; tổ chức được 4 hội thảo, tập huấn chuyên đề cho 330 đại biểu…
Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp (TVPTCN) được các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương tích cực thực hiện. Năm 2021, các đơn vị đã triển khai được 466 dự án, doanh thu đạt 13,98 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2022, các đơn vị đã tư vấn cho 293 dự án, với doanh thu đạt 4,85 tỷ đồng. Nhiều địa phương như: Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, KIên Giang, Bạc Liêu, ... hoạt động TVPTCN thực hiện vượt kế hoạch năm.
Ảnh: Cục trưởng Cục CTĐP Ngô Quang Trung phát biểu tại Hội nghị |
Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác khuyến công của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam còn có một số hạn chế cần được khắc phục, như: Trong khu vực còn có những địa phương nhiều năm không tham gia chương trình KCQG; chưa quan tâm bố trí tăng cường ngân sách cho hoạt động khuyến công. Còn nhiều địa phương trong khu vực chưa xây dựng được các đề án khuyến công có tính lan tỏa, chưa xây dựng được các mô hình điển hình để phổ biến, khuyến khích các cơ sở CNNT đầu tư, phát huy lợi thế cạnh tranh để phát triển ngành công nghiệp chế biến ở khu vực nông thôn. Công tác triển khai đề án khuyến công ở một số địa phương chưa thực sự bám sát cơ sở, dẫn đến nhiều đề án phải điều chỉnh hoặc ngừng thực hiện, phần nào ảnh hưởng tới tính kịp thời của chính sách Nhà nước hỗ trợ các cơ sở CNNT trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh hậu Covid-19. Mạng lưới cộng tác viên khuyến công đến cấp xã đã được hình thành ở nhiều địa phương, tuy nhiên chưa thật sự phát huy hiệu quả.
Định hướng hoạt động khuyến công thời gian tới
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục CTĐP Ngô Quang Trung nhấn mạnh: Để hoàn thành kế hoạch năm 2022, đảm bảo sử dụng kinh phí hỗ trợ hiệu quả, đúng mục đích các địa phương, đơn vị cần tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai hoạt động khuyến công; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các đề án khuyến công,
Đề nghị trong thời gian tới, Sở Công Thương các địa phương trong Khu vực tiếp tục chỉ đạo tổ chức các hoạt động khuyến công gắn liền với các chủ trương, chính sách của Nhà nước, Chính phủ và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tham mưu các cấp chính quyền quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho đơn vị thực hiện; xây dựng hệ thống cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã nhằm giúp các cơ sở CNNT thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách khuyến công.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới cách thức xây dựng kế hoạch theo hướng hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm, xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm, đề án hỗ trợ cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu đạt giải cấp khu vực, cấp quốc gia, đảm bảo có sự liên kết, có tác động lan tỏa, tập trung vào các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của khu vực, địa phương. Thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2023, gắn với Chương trình khuyến công giai đoạn 2021- 2025;
Tăng cường công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công của địa phương; nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với hoạt động khuyến công áp dụng tại địa phương đáp ứng kịp thời với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với bối cảnh tình hình mới. Đẩy mạnh thông tin truyền thông về cơ chế, chính sách và thực tế triển khai các hoạt động khuyến công chú trọng đánh giá hiệu quả, lợi ích mang lại từ các nội dung hoạt động khuyến công đối với cơ sở CNNT. Tìm và giải quyết điểm nghẽn để đẩy mạnh hoạt động TVPTCN, tạo sự chủ động linh hoạt về tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ về khuyến công trong bối cảnh các đơn vị đang dần tự chủ về kinh phí hoạt động.
Cũng tại Hội nghị, toàn thể đại biểu thống nhất đề nghị trao quyền đăng cai tổ chức hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XIII, năm 2023 cho Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang.
QLKC-ARIT