Ngày 14/10, tại Tây Ninh Cục Công Thương địa phương đã phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VIII, năm 2022. Hội nghị được tổ chức lần này nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trong năm 2021, ước thực hiện 9 tháng đầu năm 2022, phương hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm 2022;

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã phát biểu khai mạc hội nghị. Thứ trưởng nhấn mạnh, khu vực phía Nam là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước, phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đầu mối trong hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Trong đó Vùng Đông Nam Bộ (mà hạt nhân là thành phố Hồ Chí Minh) là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, trái cây, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước. 

Báo cáo từ Cục Công Thương địa phương cho thấy: 9 tháng năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trong khu vực tiếp tục đà hồi phục. Một số tỉnh/thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao hơn cả nước, có 12/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (cả nước tăng 9,6%), bao gồm: Thành phố Cần Thơ +30,9%; Vĩnh Long +28,9%; Kiên Giang +25,62%; Bình Phước +24,05%; Bến Tre +23,7%; Tây Ninh +20,13%; Bạc Liêu +17,09%; TP.HCM +16,84%; Đồng Tháp +16,45%; Hậu Giang +16,21%; Tiền Giang +10,50%; Sóc Trăng +10,46%.

Về thương mại, 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ  toàn khu vực ước đạt 2.209,86 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm tỷ trọng 53% so với cả nước, các địa phương có mức tăng trưởng cao có 14/20 tỉnh, thành tăng trưởng cao hơn mức cả nước như: Bà Rịa-Vũng Tàu +47,14%; TP. Cần Thơ +43,53%; Trà Vinh +40,79%; Sóc Trăng +30,24%; Tây Ninh +29,98%; Bình Phước +29,35%; Tiền Giang +28,48%; TP.HCM +25,90%; Hậu Giang +25,57%; Vĩnh Long +24,88%; Đồng Nai +22,66%; Bình Thuận +22,39%; Kiên Giang +21,95%; Cà Mau +21,28%.

Kim ngạch xuất khẩu ước 109,1 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 38,61% so với cả nước. Trong đó, các tỉnh, thành phố có giá trị kim ngạch xuất khẩu rất cao là: Đồng Tháp +52,24%; Vĩnh Long +51,60%; Cà Mau +39,71%; Bình Thuận +32,42%; Hậu Giang +29,70%; Tiền Giang +29,60%; Trà Vinh +26,19%; Bến Tre +25,04%; Tây Ninh +24,35%; An Giang +24,27%; Sóc Trăng +21,62%; Long An +20,73%; Đồng Nai +20,17%; Kiên Giang +19,24%; Cần Thơ +19,06%... 
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 96,23 tỷ USD, tăng 11,32% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 34,86% so cả nước.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao kết quả ngành Công Thương khu vực phía Nam đạt được trong 9 tháng năm. Dù vậy, Thứ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế, trong đó giá dầu thô và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác có nhiều biến động, có xu hướng tăng cao và xuất hiện tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất, vận tải, logistics tăng… ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án, giá thành sản phẩm tăng, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước. Đầu tư hạ tầng chợ, khu, cụm công nghiệp chậm; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư chưa đủ mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thật sự hấp dẫn để thu hút đầu tư.

Công tác liên kết vùng còn nhiều hạn chế, nhất là các hoạt động phối hợp, hợp tác giữa các địa phương trong việc thu hút đầu tư theo hướng chuyên môn hóa để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương tạo động lực cho phát triển của toàn vùng.
Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2022, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021- 2025 và thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình hành động của Trung ương và địa phương đã ban hành, nhất là các nội dung liên quan đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.Đẩy mạnh công tác rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tăng cường tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi để duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Hỗ trợ, tổ chức kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia vào các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và thế giới để mở rộng thị trường, gia tăng tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu. Quan tâm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, gắn kết chặt chẽ với công tác cải cách hành chính.

Hai là, đề nghị các tỉnh/thành phố quan tâm tập trung hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức triển khai hiệu quả sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Bám sát Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045... để xây dựng và ban hành các chiến lược, đề án phát triển các ngành công nghiệp, thương mại địa phương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời tích hợp những nội dung này vào Quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để triển khai thực hiện. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo,…

Rà soát lại hiện trạng, nhu cầu để lập các phương án/nội dung quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại cho phù hợp, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia; làm cơ sở tích hợp vào quy hoạch tỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thực hiện.

Ba là, tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh các công trình, dự án trọng điểm của quốc gia, của địa phương, đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch vùng đồng bằng sông Cửu Long; Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long… 

Vùng Đông Nam Bộ: Tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của cả nước về phát triển công nghiệp, thương mại. Quan tâm, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo. Nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh. Quan tâm thúc đẩy phát triển hạ tầng  Logistics, đẩy mạnh liên kết vùng để sản xuất sản phẩm xuất khẩu theo hướng chuyển dịch đến các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị phù hợp với lợi thế so sánh của vùng Đông Nam Bộ, phát triển  trở thành Trung tâm Logistics hàng không lớn của khu vực và thế giới khi kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành trong thời gian tới.

Bốn là, đẩy mạnh khơi thông, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu, kết nối tiêu thụ hàng hóa.Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, điện... 
Theo dõi chặt chẽ giá cả hàng hóa trên địa bàn để có các biện pháp bình ổn giá cả, cung cầu, tập trung cho các Chương trình kích cầu tiêu dùng, đặc biệt trong những dịp lễ Noel, Tết sắp tới. Khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt, qua đó tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng trên môi trường số, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu để tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển tại thị trường nội địa. 

Năm là, hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy chuyển dịch nhanh từ sản xuất theo gia công, lắp ráp sang thiết kế, sản xuất tại Việt Nam.

Tập trung xây dựng phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng có thế mạnh của địa phương, phối hợp với các Bộ, ngành xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc bảo đảm chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước. Tuân thủ hướng dẫn của các Bộ, ngành triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch có lộ trình khi được Chính phủ thông qua. Đối với một số tỉnh có biên giới với Campuchia cần quan tâm hướng dẫn các doanh nghiệp về các hoạt động thương mại biên giới.

Sáu là, thực hiện các chương trình, hoạt động của ngành Công Thương đang triển khai hỗ trợ các địa phương trên cả nước như: Chương trình khuyến công, Chương trình khoa học và công nghệ, Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam...

ARIT-MOIT