Sáng ngày 6/10, Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố phía Nam lần thứ IX năm 2023. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Công Thương, có đồng chí Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, đồng chí Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương; các đồng chí là đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương;

Về phía địa phương, có các đồng chí đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và một số cơ quan, đơn vị khác có liên quan.

Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2023 được tiến hành trong bối cảnh cả nước và các địa phương bước sang năm thứ 3 triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội đã có những tác động cụ thể, bước đầu cơ bản làm thay đổi diện mạo tình hình kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động ngành Công Thương nói riêng. Đây cũng chính là thời kỳ Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng với nhiều Hiệp định kinh tế, thương mại song phương và đa phương đã được ký kết.

Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 4 tháng cuối năm 2023; thảo luận, trao đổi kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trọng công tác quản lý nhà nước của các Sở, ngành ở địa phương, qua đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.

Hội nghị cũng nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư và thương mại; tăng cường các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương trong khu vực.

Ảnh: Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ IX - năm 2023

Theo Bộ Công Thương, năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và của ngành Công Thương nói riêng tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chịu ảnh hưởng rất lớn của biến động địa chính trị, biến động kinh tế khó dự báo, nhưng ngành Công Thương 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã nỗ lực đạt được một số thành tựu nổi bật.

Cụ thể, năm 2022 chỉ số sản xuất công nghiệp các tỉnh phía Nam vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực. Có 15/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước là 7,8%.; 8 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành phố có những đóng góp tích cực trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn. 18/20 tỉnh, thành vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 (cả nước giảm 0,4%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam năm 2022 đạt 2.939 nghìn tỷ đồng, tăng 26,29% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 51,75% so với cả nước (cả nước đạt 5.679 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước). Có 15/20 địa phương có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2022 đạt 139,31 tỷ USD, tăng 18,41% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 37,46% so với cả nước (Cả nước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2021). Kim ngạch nhập khẩu toàn khu vực đạt 136,806 tỷ USD, tăng 9,69% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 37,93% so với cả nước (Cả nước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2021).

Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Công Thương 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam vẫn còn một số hạn chế. Trong 8 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp có tăng so với cùng kỳ nhưng một số địa phương tốc độ tăng trưởng thấp so với tiềm năng phát triển công nghiệp của khu vực, vẫn còn 02 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp chưa phục hồi so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng, bị sụt giảm đơn hàng. Giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước; Nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt; nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra; công nghiệp hỗ trợ chưa thật sự phát triển mạnh, tỉ lệ nội địa hoá của các ngành công nghiệp chưa cao.

Tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp, thành lập mới và việc thu hút đầu tư mới còn khó khăn, một số dự án đầu tư vào cụm công nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư nhưng chậm triển khai hoặc đã khởi công xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp chưa đạt.

Công tác cải cách, xây dựng thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính ở một số lĩnh vực, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu về thời gian; Hội nhập quốc tế về kinh tế tập trung nhiều vào chiều rộng, chưa tập trung đi vào chiều sâu; Khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện tái cơ cấu và phát triển ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh,...

Thứ trưởng Phan Thị Thắng phát biểu kết luận Hội nghị

Để góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch năm 2023 và giai đoạn 5 năm 2021-2025, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương; Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị các lãnh đạo UBND các tỉnh/ thành phố, đặc biệt là các Sở Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung như sau:

Một là, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ. Các địa phương khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch tỉnh/ thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 làm cơ sở xây dựng Chiến lược, Chương trình hành động và các Đề án phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn giai đoạn đến năm 2030; Tiếp tục cập nhật để rà soát các nội dung phát triển công nghiệp, thương mại, năng lượng để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, phù hợp với quy hoạch quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành. Bố trí nguồn lực phù hợp để tổ chức triển khai hiệu quả sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại của địa phương.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trong tình hình mới. Tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình hành động của Trung ương và địa phương đã ban hành. Đẩy mạnh công tác rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Ba là, tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh các công trình, dự án trọng điểm của quốc gia, của địa phương, đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định. Rà soát tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đi vào vận hành dự án. Đồng thời, bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, than, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới. Triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng, triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII; bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.

Bốn là, tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước. Thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, dự báo sớm tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng, dầu; có giải pháp không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử; Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước… Phối hợp kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu để tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển tại thị trường nội địa.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Tổ chức kết nối giao thương giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài. Tập trung xây dựng phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng có thế mạnh của địa phương, hướng đến xây dựng thương hiệu quốc gia, phối hợp với các Bộ, ngành xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc bảo đảm chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước. Tuân thủ hướng dẫn của các Bộ, ngành triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch có lộ trình khi được Chính phủ thông qua. 

Sáu là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.

CTĐP