Ngày 15/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã chủ trì buổi họp Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023. Tại cuộc họp, đại diện Ban giám khảo đã báo cáo về công tác chấm điểm bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023, theo đó, Ban giám khảo đã nhận được từ Cục Công Thương địa phương 441 hồ sơ gửi đăng ký tham gia bình chọn cấp quốc gia năm 2023 của 59/63 tỉnh, thành phố.

Căn cứ các quy định về công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, Tổ Giúp việc đã thực hiện rà soát, thẩm định, tổng hợp hồ sơ gửi đăng ký bình chọn. Kết quả, có 430 hồ sơ, bộ hồ sơ đạt đủ điều kiện chấm điểm trong tổng số 441 hồ sơ đăng ký; 4 hồ sơ không đạt điều kiện chấm điểm. Các hồ sơ đạt đủ điều kiện chấm điểm được phân theo nhóm sản phẩm, cụ thể: Nhóm thủ công mỹ nghệ 70 sản phẩm; sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm 287 sản phẩm; sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí 36 sản phẩm; 33 sản phẩm khác.

Hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn sản phẩn CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023 được kế thừa, nâng cấp bổ sung tài liệu từ hồ sơ đăng ký bình chọn cấp khu vực 2022, qua đó đáp ứng được yêu cầu theo quy định. Căn cứ các văn bản quy định hiện hành, hồ sơ đạt đủ điều kiện chấm điểm bình chọn đã được số hóa, gắn mã số, cập nhật tại Hệ thống phần mềm sản phẩm CNNT tiêu biểu để tổ chức chấm điểm bình chọn.

Theo đại diện Cục Công Thương địa phương, công tác chấm điểm được thực hiện 2 lần kết hợp với đánh giá đi khảo sát thực tế các cơ sở sản xuất. Cụ thể, chấm điểm bình chọn lần 1, Ban giám khảo tập trung nghiên cứu, xem xét trực tiếp hồ sơ sản phẩm; áp dụng tiêu chí, thang điểm theo quy định. Kết quả cụ thể có 236/430 hồ sơ có điểm trung bình đạt từ 70 điểm trở lên (đạt tỷ lệ 54% tổng hồ sơ đăng ký), để xem xét chấm điểm lần 2.

Để đảm bảo độ chính xác cho công tác chấm điểm, Cục Công Thương địa phương tổ chức 3 đoàn công tác, gồm đại diện thành viên Hội đồng bình chọn và Ban giám khảo, Tổ giúp việc đi đánh giá thực tế sản xuất tại 16 cơ sở CNNT có sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn cấp quốc gian năm 2023 tại của một số địa phương, như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Trên cơ sở kết quả chấm điểm bình chọn lần 1, kết hợp với thông tin đánh giá thực tế sản xuất tại cơ sở CNNT, Ban giám khảo tiếp tục rà soát, xem xét đánh giá hồ sơ, thực hiện công tác chấm điểm lần 2 đối với các sản phẩm tham gia bình chọn. Kết quả chấm điểm lần 2, có 174/430 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt điểm bình quân từ 70 điểm trở lên.

Trong đó, nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ: 17/70 sản phẩm (đạt tỷ lệ 24% tổng hồ sơ đăng ký); nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm: 109/287 sản phẩm (đạt tỷ lệ 38% tổng hồ sơ đăng ký); nhóm sản phẩm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí: 25/36 sản phẩm (đạt tỷ lệ 69% tổng hồ sơ đăng ký); nhóm sản phẩm khác: 23/33 sản phẩm (đạt tỷ lệ 70% tổng hồ sơ đăng ký).

Công tác chấm điểm các sản phẩm tham gia bình chọn cơ bản đã hoàn thành, hiện Cục Công Thương địa phương đang thực hiện các thủ tục còn lại để công nhận và tiến hành tổ chức Lễ tôn vinh và trao giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023.

Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá cao sự nghiêm túc của Hội đồng bình chọn, Ban giám khảo trong quá trình chấm điểm, cân nhắc để tìm ra những sản phẩm thực sự xứng tầm. Để đảm bảo tính hiệu quả, hấp dẫn và phù hợp của công tác bình chọn những năm tiếp theo, Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Công Thương địa phương, thành viên Ban giám khảo, Hội đồng bình chọn thẳng thắn nhìn nhận vấn đề tốt và chưa tốt cuộc bình chọn năm nay. Đánh giá nhìn nhận về từng nhóm sản phẩm, có gì nổi bật và cần khắc phục để thông tin tới địa phương, cơ sở sản xuất có sản phẩm. Mục tiêu hướng tới là giúp sản phẩm CNNT tiêu biểu đưa được ra và có chỗ đứng tốt trên thị trường./.
 

Nguồn: moit.gov.vn

Tin đã đăng