Chiều ngày 10/10/2024, tại thành phố Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, Bộ Công Thương và Uỷ Ban nhân dân (UBND) Tỉnh Kiên Giang giao Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang phối hợp với Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XIV, năm 2024.

Tham dự Hội nghị có ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương; bà Đỗ Thị Minh Trâm Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, ông Đỗ Văn Côi, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính; về phía Tỉnh Kiên Giang có ông  Trương Văn Minh Giám đốc Sở Công Thương; cùng các đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương; đại điện Sở Công Thương, đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ khuyến công của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

 

Toàn cảnh Hội nghị

Tiếp nối thành công của Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XIII được tổ chức tại Hậu Giang, Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XIV năm 2024 tại Kiên Giang, được tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khuyến công năm 2023, 9 tháng năm 2024 và các giải pháp thực hiện kế hoạch khuyến công năm 2024; thảo luận những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai các đề án, nhiệm vụ và thực tiễn quản lý Nhà nước, đồng thời đề xuất kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho tổ chức hệ thống khuyến công khu vực phía Nam phát huy lợi thế; đồng thời xây dựng các mối liên kết, hợp tác phát triển lĩnh vực khuyến công giữa các địa phương.

 

Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương tại Hội nghị, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2023 của toàn khu vực phía Nam là 81,725 tỷ đồng, đạt 82,26% so với kế hoạch năm. Một số nội dung tiếp tục hoàn thành đạt tỷ lệ cao như: hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu. Các địa phương bố trí ngân sách địa phương ở mức cao trong khu vực như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Trà Vinh. Có được những kết quả đó, cần ghi nhận và đánh giá cao sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của UBND cấp tỉnh; sự nỗ lực của toàn tổ chức hệ thống khuyến công, đặc biệt là vai trò quan trọng trong quản lý, chỉ đạo của các Sở Công Thương, vai trò của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; sự phối hợp chặt chẽ của UBND cấp huyện và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Bước sang năm 2024, năm bứt phá trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025; cũng là năm tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình KCQG và chương trình khuyến công của các địa phương giai đoạn đến năm 2025. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ , Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, triển khai quyết liệt nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT sản xuất kinh doanh nhằm góp phần tiếp tục phục hồi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Trên cơ sở đó, toàn tổ chức hệ thống khuyến công khu vực phía Nam đã bám sát định hướng, lãnh đạo chỉ đạo của Bộ Công Thương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để triển khai hiệu quả các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở trong đầu tư phát triển sản xuất; tạo động lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn.

Tổng kế hoạch kinh phí khuyến công của toàn khu vực thưc hiện tính đến tháng 9 năm 2024 là 91,3 tỷ đồng, trong đó: Kinh phí khuyến công quốc gia giao theo kế hoạch 32,3 tỷ đồng; đến nay, kinh phí phân bổ là 13 tỷ đồng (chiếm 40%). Kinh phí khuyến công địa phương giao theo kế hoạch 59 tỷ đồng; số thực hiện đến nay đạt 25,3 tỷ đồng, đạt 27,7% kế hoạch năm.

Tại Hội nghị đã được nghe các ý kiến tham luận đại diện cho các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Long, Long An, đại điện Lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Công Thương, đại diện cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu... về những vấn đề mới phát sinh từ nhu cầu phát triển và thực tế quản lý nhà nước. Từ đó đề xuất, kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp thực hiện công tác khuyến công phát huy lợi thế. Đồng thời, xây dựng, định hình các mối liên kết hợp tác phát triển lĩnh vực khuyến công giữa các địa phương.

Kết luận của Cục trưởng Cục Công Thương địa phương tại Hội nghị đưa ra 5 vấn đề cần lưu ý sau:

Một là, trên cơ sở các nội dung của Chương trình KCQG, KCĐP giai đoạn đến năm 2025 và hướng dẫn xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2025 của Cục CTĐP, tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nội dung hoạt động khuyến công theo hướng có trọng tâm trọng điểm, theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số; tăng cường kiểm tra, giám sát các đề án khuyến công trên địa bàn.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu các Nghị quyết của BCHTW Đảng khoá 13: NQ số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Quyết định 165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 và mới đây nhất là Công điện số 103/CĐ-TTg ngày 7/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

Đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công, trong thời gian tới, Cục CTĐP mong muốn tiếp tục nhận được sự tham gia, đóng góp ý kiến tích cực từ các địa phương, đơn vị để tạo điều kiện thuận lợi giúp Cục CTĐP, Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách về khuyến công.

Ba là, bám sát quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP (Bộ Công Thương đã ban hành Thông báo số 09/TB-BCT ngày 09/01/2024 về ý kiến kết luận chỉ đạo của Bộ trưởng): Quan tâm bố trí tăng nguồn vốn ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến công; chủ động rà soát cơ chế chính sách tại địa phương bảo đảm đồng bộ, khả thi; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh công tác bình chọn, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; kiện toàn tổ chức bộ máy cho đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Công Thương để triển khai các hoạt động khuyến công có tính kỹ thuật đặc thù của ngành Công Thương; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khuyến công ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Bốn là, tăng cường phối hợp giữa các Sở ngành, UBND cấp huyện, tổ chức, đơn vị.

Năm là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động khuyến công./.

QLKC

Tin đã đăng