Theo đó, đã có 44 doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được thụ hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ từ đề án. Trong đó, phần lớn doanh nghiệp được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.
Theo đại diện Sở Công Thương Lâm Đồng, đề án điểm đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn, giúp doanh nghiệp CNNT hoàn thiện sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đáng lưu ý, nhờ bám sát nhu cầu thực tế, đề án đã thu hút đáng kể nguồn vốn đối ứng từ các đơn vị thụ hưởng. Cụ thể, tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất là 3,4 tỷ đồng nhưng đã thu hút gần 10 tỷ đồng từ vốn từ các doanh nghiệp CNNT.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn tổ chức 6 đợt khảo sát giao thương với 32 doanh nghiệp tham gia và thu được 14 hợp đồng mua bán, trao đổi để tiêu thụ sản phẩm; 22 biên bản hợp tác, liên kết để tiêu thụ sản phẩm được ký kết.
Cũng theo đại diện Sở Công Thương Lâm Đồng, nguồn vốn hỗ trợ từ đề án điểm với ngành chế biến cà phê trong 3 năm qua thực sự là đòn bẩy, tạo đà cho doanh nghiệp cải tiến kỹ thuật, hiện đại hóa trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất trong quá trình hội nhập quốc tế, góp phần làm cho ngành chế biến cà phê trên địa bàn có bước khởi sắc đáng kể. Nếu những năm trước, Lâm Đồng chỉ tập sản xuất sản phẩm cà phê nhân, thì những năm gần đây, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công các doanh nghiệp sản xuất cà phê đã chú trọng tới phát triển cà phê bột, xây dựng thương hiệu và đầu tư bao bì mẫu mã cho sản phẩm cà phê. Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thành công như Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình, Công ty TNHH cà phê Hân Vinh.
Đề án điểm hỗ trợ chế biến cà phê đã triển khai rộng khắp đến các địa phương trong tỉnh, lan tỏa đến doanh nghiệp, phát huy tốt vai trò vốn mồi, khuyến khích cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.
TTCN-ARIT