Sản phẩm Chao truyền thống được làm chủ yếu từ đậu nành, môn với tỷ lệ phù hợp;… nguyên liệu sau khi rửa sạch được nấu chín và lắng kết tủa để vi sinh vật tiết ra enzyme và chuyển hóa các thành phần đạm, béo, đường có trong sữa đậu nành thành những phần tử đơn giản như acid amin, acid béo,… Là thực phẩm thường dùng cho người ăn chay lẫn ăn mặn nên chao đòi hỏi yêu cầu vệ sinh cao trong khi phương pháp sản xuất thủ công trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi lượng lao động nhiều, năng suất thấp và quan trọng nhất là khó đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, ứng dụng dây chuyền, máy móc vào quy trình sản xuất chao là cần thiết và tất yếu để phát triển sản phẩm và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Hình 1: Dây chuyền sản xuất Chao tại Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hoa
Cơ sở sản xuất chao Hưng Phát (TP.Tân An, tỉnh Long An) theo nghề đã trên 30 năm và được thị trường tín nhiệm bởi sản phẩm đạt chất lượng tốt. Năm 2016, sản phẩm “Chao môn Hưng Phát” được UBND tỉnh Long An công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đánh dấu bước tiến mới trong quá trình phát triển của cơ sở. Xuất phát từ nhu cầu thực tế của cơ sở, chương trình khuyến công địa phương đã hỗ trợ 100 triệu đồng để ứng dụng máy dán màng nhôm tự động vào quá trình sản xuất giúp hoàn thành khâu chế biến. Với công nghệ hiện đại này, chao sẽ được bảo quản tốt hơn, lâu hơn và bảo đảm vệ sinh thực phẩm.
Chủ cơ sở Hưng Phát - Trương Văn Khanh cho biết, sản phẩm chao của cơ sở cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 100 tấn mỗi năm. Trước đó, cơ sở dán màng nhôm bằng thủ công nên tốn nhiều công lao động nhưng năng suất thấp. Khi đó, người lao động chỉ đóng được khoảng 65 đến 75 sản phẩm/giờ. Kể từ khi ứng dụng máy đóng màng nhôm, năng suất tăng lên 450 đến 500 sản phẩm/giờ. Vì vậy, cơ sở giảm được nhiều giờ công lao động, chủ động hơn trong sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hình 2: Máy dán màng nhôm tự động tại cơ sở Hưng Phát
Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hoa (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) là cơ sở sản xuất chao được nhiều người biết đến, cung cấp sản phẩm với số lượng lớn cho thị trường chủ yếu là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Nhu cầu phát triển đòi hỏi phải đầu tư hạ tầng và thay đổi quy trình sản xuất; tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế và ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 nên cơ sở vẫn còn khó khăn. Từ thực trạng đó, để khuyến khích doanh nghiệp có thêm điều kiện mạnh dạn đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, thông qua chương trình khuyến công quốc gia năm 2020, Cục Công Thương địa phương đã hỗ trợ cơ sở đầu tư dây chuyền sản xuất chao. Đây là dây chuyền hiện đại được ứng dụng từ khâu sau khi chao được xếp vào hũ và qua các công đoạn chiết rót nước, siết nắp, siêu co, siêu màng nhôm, dán nhãn, in phun hạn sử dụng và cho ra thành phẩm thay thế hoàn toàn các công đoạn thủ công này. Sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ hư hỏng thấp, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. So với thủ công thì năng suất sản xuất tăng gấp 2-3 lần; dây chuyền tự động, độ chính xác cao, đảm bảo vệ sinh trong sản xuất; tiết kiệm điện và giảm ô nhiễm môi trường.
Chủ cơ sở - Nguyễn Thị Hoa cho biết, trước đây, cơ sở sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên tốn nhiều công lao động nhưng năng suất thấp. Kể từ khi ứng dụng dây chuyền sản xuất chao năng suất sản xuất tăng lên nhiều lần; tuy vậy cơ sở vẫn sử dụng lượng lao động như cũ để làm một số khâu thủ công khác do gia tăng sản lượng sản xuất. Qua đây, cơ sở cũng rất mong muốn tiếp tục được chính sách khuyến công hỗ trợ các nội dung khác giúp cơ sở xây dựng và định vị được thương hiệu, giới thiệu và quảng bá sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu.
Hình 3: Đại diện cơ sở Nguyễn Thị Hoa giới thiệu quy trình công nghệ dây chuyền sản xuất chao
Theo Ông Phạm Văn Hường - Giám đốc Trung tâm KC và TVPTCN tỉnh Long An, thời gian qua, chính sách khuyến công đã có những đóng góp tích cực góp phần phát triển công nghiệp nông thôn. Đặc biệt, các đề án ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất đã khuyến khích, thu hút được nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Các cơ sở được hỗ trợ sẽ tiếp tục được xem xét hỗ trợ thêm nhiều nội dung khác phù hợp với nhu cầu của đơn vị và quy định của chính sách khuyến công để các cơ sở có thêm điều kiện phát triển./.
Huỳnh Đức (Sở CT tỉnh Long An)