Hội nghị đã phổ biến các Nghị định và Thông tư đến địa phương, đồng thời cũng nhận được nhiều ý kiến, trao đổi từ các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Sáng 6/9, Cục Công Thương địa phương phối hợp với Sở Công Thương Long An tổ chức Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại Long An. Hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt thực hiện các nội dung quy định của Nghị định 32/2024/NĐ-CP và Thông tư 14/2024/TT-BCT đến các địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan thuộc khu vực từ tỉnh Quảng Trị trở vào phía Nam.

Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) dưới sự chủ trì của ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương và có sự tham dự có các lãnh đạo Sở Công Thương và cán bộ chuyên môn của Sở Công Thương các tỉnh, thành; đại diện UBND cấp huyện, chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp của các tỉnh thành trong khu vực…

Phổ biến đến các địa phương để triển khai thực hiện

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, nhấn mạnh: “Thực hiện nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ Công Thương giao, Cục Công Thương địa phương tổ chức Hội nghị trực tiếp nhằm phổ biến, quán triệt các nội dung quy định của Nghị định số 32/2024/NĐ-CP và Thông tư số 14/2024/TT-BCT đến các địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan để triển khai thực hiện”.Theo ông Ngô Quang Trung, để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển CCN; đảm bảo quy hoạch, phát triển CCN bền vững, trật tự, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; kịp thời tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP,… Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ/ngành, địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 về quản lý, phát triển CCN (thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP). Bộ Công Thương cũng đã xây dựng, ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BCT ngày 15/8/2024 quy định chế độ báo cáo định kỳ về CCN, cơ sở dữ liệu CCN cả nước và một số mẫu văn bản về quản lý, phát triển CCN (bãi bỏ Thông tư số 28/2020/TT-BCT ngày 16/11/2020)”.

Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh Ngọc Tú)

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho biết về Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2020 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN đã được xây dựng, ban hành trên các quan điểm sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường quản lý hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển các CCN nhằm thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng công nghiệp ở nông thôn gắn với thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước “ly nông bất ly hương” và xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, kế thừa, giữ nguyên các nguyên tắc, nội dung quản lý đã được quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP đang phát huy hiệu quả; chỉ sửa đổi, bổ sung các nội dung, quy định không còn phù hợp đảm bảo khả thi, thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan, không điều chỉnh nguyên tắc quản lý đã được quy định tại các pháp luật chuyên ngành.

Thứ ba, tiếp tục thể chế hóa tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tăng cường phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương chủ động xử lý các vấn đề quản lý CCN trên địa bàn theo tinh thần của Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

Tại Hội nghị, ông Ngô Văn Lê – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, qua thời gian áp dụng, các Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP cũng dần bộc lộ các vướng mắc, tồn tại cần được tháo gỡ. Do đó, việc Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024, Bộ Công Thương ban hành Thông tư hướng dẫn số 14/2024/TT-BCT là rất kịp thời và là cần thiết cho Long An nói riêng và các tỉnh, thành phố nói chung để có thể tiếp tục triển khai áp dụng một cách có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước đối với các CCN trên địa bàn.

Nhiều ý kiến, đóng góp từ địa phương

Ông Ngô Văn Lê – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An đưa ra góp ý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với CCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ngoài các giải pháp như trên, Long An đề xuất Bộ Công Thương một số kiến nghị như sau:

Đầu tiên, trong Nghị định số 32/2024/NĐ-CP, Chính phủ có giao trách nhiệm Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN phù hợp với nội dung Báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng CCN đã được phê duyệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư. Trong khi chờ quy định của cấp có thẩm quyền, đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN theo quy định của pháp luật hiện hành để các địa phương thống nhất thực hiện.

Tiếp theo là có hướng dẫn thêm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 của Nghị định 32/2024/NĐ-CP quy định điều kiện thành lập CCN, về phía tỉnh Long An đề xuất chỉ tính tỷ lệ lấp đầy trung bình của các CCN và tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các CCN trên tổng các CCN đã hoạt động, để tạo điều kiện xúc tiến kêu gọi đầu tư hạ tầng cho các CCN được phát triển mới trong kỳ quy hoạch và đồng thời, cũng để tránh trường hợp địa phương cấp huyện có CCN được thành lập nhưng chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng thì lúc đó tính diện tích quỹ đất công nghiệp của CCN như thế nào.

Cuối cùng là trên địa bàn tỉnh có phát sinh 2 trường hợp CCN khi thành lập thì có diện tích khoảng 75ha (diện tích theo trích lục bản đồ địa chính), nhưng khi tiến hành đo đạc thực tế thì diện tích lại tăng hơn 75ha, điều này chưa phù hợp với quy định CCN không vượt quá 75 ha tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định 32/2024/NĐ-CP (được chuyển tiếp từ khoản 1 Điều 2 của Nghị định 68/2017/NĐ-CP), kiến nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn để xử lý các trường hợp này, về phía tỉnh Long An đề xuất Bộ xem xét cho giữ nguyên diện tích CCN theo diện tích đo đạc thực tế, vì nếu giảm diện tích CCN xuống để còn đúng 75ha thì phải điều chỉnh lại ranh CCN đã thành lập, dẫn đến phải thực hiện lại các thủ tục và điều chỉnh lại hầu hết các hồ sơ của CCN, làm chậm tiến độ triển khai dự án đã được phê duyệt.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh Ngọc Tú)

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Trương Văn Minh – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho rằng, trong quá trình tổ chức triển khai Nghị định trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, làm ảnh hưởng đến quản lý và đầu tư phát triển các CCN:

Đầu tiên, theo quy định khoản a, Điều 32 Luật Đầu tư và Điều 29 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ, dự án đầu tư hạ tầng CCN là dự án có sử dụng đất, đề nghị nhà nước giao đất, thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư. Do đó, về nguyên tắt đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN phải thực hiện cả 2 thủ tục chấp thuận chủ trương và thủ tục thành lập CCN theo quy định. Điều này gây khó khăn, phát sinh thêm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, gây lúng túng cho các Sở ngành liên quan trong tham mưu cấp thẩm quyền thực hiện trình tự.

 

Thứ 2 là theo quy định khoản 1, Điều 26 Nghị định 32/2024/NĐ-CP “Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN”. Tuy nhiên, Nghị định chưa quy định rõ tổng mức vốn đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN là đã bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa? Hay chỉ có chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật của CCN?

Trong khi theo quy định tại khoản 2, Điều 5 Nghị định 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì nội dung tổng mức đầu tư xây dựng: Chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư; chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng và các chi phí khác có liên quan.

Thứ 3 là dù Nghị định đã đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, giao trách nhiệm nhiều hơn cho cơ quan quản lý về công thương địa phương. Tuy nhiên, chưa thật sự nâng cao vai trò của Sở Công Thương trong quản lý CCN.

Tại Hội nghị cũng nhận được những ý kiến, đóng góp của đại diện các doanh nghiệp như doanh nghiệp Cao su Dầu tiếng, Cao su Ninh Thuận và đại diện các UBND huyện về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho biết, Hội nghị đã nhận được 10 ý kiến, đóng góp. Sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã cơ bản hoàn thành các nội dung chương trình đề ra.

Ông Ngô Quang Trung cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý CCN theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và UBND các tỉnh/thành phố trong chỉ đạo, quản lý chặt chẽ, đúng quy định về quản lý, phát triển CCN. Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, giải pháp về quản lý, phát triển CCN và đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Đối với các Sở Công Thương là đơn vị đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan, chủ động tham mưu UBND cấp tỉnh về công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện các nội dung, quy định của Nghị định số 32/2024/NĐ-CP và Thông tư số 14/2024/TT-BCT trên địa bàn cấp tỉnh.

Nguồn: congthuong.vn

Tin đã đăng