Theo tổng hợp số liệu từ Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), đến hết năm 2022, cả nước có 542 cụm công nghiệp đã thành lập do doanh nghiệp làm chủ đầu tư; 436 cụm công nghiệp đã thành lập do đơn vị sự nghiệp công lập làm chủ đầu tư và 36 cụm công nghiệp đã thành lập do Ủy ban nhân dân cấp huyện/cấp xã làm chủ đầu tư.

 

Hiện trạng các mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thời gian qua

Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang tồn tại 3 mô hình chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp: (1) Mô hình doanh nghiệp làm chủ đầu tư; (2) Mô hình đơn vị sự nghiệp công lập làm chủ đầu tư (đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện như Ban quản lý cụm công nghiệp, Trung tâm phát triển cụm công nghiệp, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng; đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Công Thương như Trung tâm Khuyến công; đơn vị sự nghiệp khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp); (3) Mô hình Ủy ban nhân dân cấp huyện/cấp xã làm chủ đầu tư (chủ yếu là tại các cụm công nghiệp hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg).

Đặc điểm của các mô hình

- Mô hình doanh nghiệp làm chủ đầu tư: Đây là mô hình phù hợp với chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp của Đảng và Nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế thị trường, góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Chủ đầu tư chủ động triển khai nhanh việc đầu tư xây dựng, hoàn thành, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng cụm công nghiệp; chủ động, nhanh chóng thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp; thủ tục tiếp nhận, cho thuê đất đối với nhà đầu tư thứ cấp thuận lợi;... Tuy nhiên, giá cho thuê mặt bằng tại các cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư thường cao; chỉ thu hút được các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp có vị trí quy hoạch thuận lợi về giao thông, kết nối hạ tầng kỹ thuật bên ngoài, gần nguồn lao động,...

- Mô hình đơn vị sự nghiệp công lập và Ủy ban nhân dân cấp huyện/cấp xã làm chủ đầu tư: Đây là những mô hình phù hợp với những địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn khó thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Cụm công nghiệp tại các địa bàn này được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; do vậy việc đầu tư xây dựng, hoàn thành và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp khó khăn, tiến độ thường rất chậm, thiếu đồng bộ; phát sinh thêm bộ máy, nhân sự quản lý cụm công nghiệp; việc cho thuê đất đối với các dự án thứ cấp tại các cụm công nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp huyện/cấp xã hoặc đơn vị sự nghiệp không tự chủ tài chính đang gặp vướng mắc do pháp luật về đất đai hiện nay chưa quy định rõ đối với trường hợp này.

Mô hình tối ưu hiện nay?

Căn cứ vào những ưu điểm và hạn chế của ba mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp hiện đang tồn tại, mô hình chủ đầu tư là doanh nghiệp đang được xem là hiệu quả nhất và tối ưu nhất. Việc thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giúp nâng cao hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp; tạo mặt bằng sạch thu hút các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào cụm công nghiệp.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý cụm công nghiệp ở trung ương cũng cần phải có nghiên cứu để có quy định đối với trường hợp cụm công nghiệp thuộc địa bàn khó khăn mà không thể thu hút được doanh nghiệp làm chủ đầu tư thì giao mô hình đơn vị Nhà nước nào làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.