Qua 20 năm phát triển, Cục Công Thương địa phương đã khẳng định được vai trò, là cơ quan tham mưu trong quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với các lĩnh vực: công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khuyến công, cụm công nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương trên cả nước. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của lĩnh vực khuyến công

Hoàn thiện chính sách, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển

Ngay sau khi thành lập, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Công Thương địa phương tập trung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp ở địa phương. Một trong các nhiệm vụ cụ thể là xây dựng chính sách nhằm khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT). Theo đó, Cục Công Thương địa phương (CTĐP) chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu của Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan xây dựng và đề nghị Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 9/6/2004 về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn nhằm (1) động viên và huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn và các dịch vụ khuyến công theo quy hoạch phát triển công nghiệp của cả nước và từng địa phương; (2) góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, trước hết là công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội; (3) hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau khi Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ra đời, nhằm xác định mục tiêu, chương trình, kế hoạch hoạt động khuyến công từng giai đoạn, Cục (CTĐP) đã tham mưu Bộ Công Thương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg ngày 20/8/2007 phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012. Đây là một nội dung mới để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, với các mục tiêu cụ thể: (1) huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp và các dịch vụ khuyến công ở nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động theo hướng công nghiệp hoá, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển đời sống văn hóa - xã hội ở nông thôn; (2) phát triển công nghiệp ở nông thôn với tốc độ tăng trưởng không thấp hơn tốc độ bình quân cả nước.

Từ khi có Nghị định số 134/2004/NĐ-CP và Quyết định số 136/QĐ-TTg, hoạt động khuyến công được thực hiện một cách đồng bộ và có hệ thống từ trung ương đến địa phương. Hướng các nội dung hoạt động vào thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở CNNT và góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển. Số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 2005 - 2010, giá trị sản xuất công nghiệp cả nước tăng bình quân 13,77%/năm, trong đó, giá trị sản xuất CNNT tăng bình quân 16,54%/ năm, số lượng các cơ sở công nghiệp nông thôn tăng bình quân 8,64%/năm; số lao động làm việc trong các cơ sở CNNT tăng 8,94%/năm và đến năm 2010 chiếm 53,27% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp. Theo Báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2008 - 2012, giá trị sản xuất CNNT năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân 5 năm là 19,85 %/năm. Số lượng cơ sở CNNT tăng trung bình cả giai đoạn đạt 8,74%/năm. Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, đồng thời để nâng cao chất lượng về mọi mặt của hoạt động khuyến công, bổ sung nhiệm vụ mới, Cục (CTĐP) đã chủ trì xây dựng để Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 về khuyến công, thay thế Nghị định số 134/2004/NĐ-CP; tiếp theo đó là trình Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/8/2014 phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 và Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20/11/2021 phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công đã từng bước được hoàn thiện, bám sát thực tiễn, đưa công tác khuyến công cả nước đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực này, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn xác định hướng đầu tư đúng, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; giúp phát triển bền vững và dần từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Song song với việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công, tổ chức hệ thống khuyến công trên toàn quốc cũng dần được củng cố và phát triển. Ban đầu, khi mới thành lập, Cục (CTĐP) chưa có đơn vị chức năng riêng thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khuyến công. Năm 2008, theo Quyết định số 0799/QĐ-BCT ngày 30/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công nghiệp địa phương (nay là Cục Công Thương địa phương), Phòng Quản lý khuyến công được thành lập, giúp Cục trưởng thực hiện công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với lĩnh vực khuyến công.

Để đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, đồng thời thúc đẩy hoạt động khuyến công quốc gia đạt hiệu quả cao ở các khu vực, phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp vùng, ngành và lãnh thổ, tháng 12 năm 2009, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 6368/ QĐ-BCT về việc thành lập Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp 1, là đơn vị sự nghiệp có thu. Đến nay, ngoài Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp 1 trực thuộc Cục Công Thương địa phương, 63/63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước có trung tâm khuyến công với tổng số 1.308 cán bộ, viên chức; trong đó, trên 50% số người được giao nhiệm vụ trực tiếp triển khai các hoạt động khuyến công. Bên cạnh đó, tham gia và thực hiện các nội dung hoạt động khuyến công còn có các tổ chức dịch vụ khuyến công khác thuộc các: viện, nghiên cứu trường, hiệp hội ngành nghề... Hiệu quả chính sách làm thay đổi căn bản công nghiệp nông thôn địa phương Ngay khi các chính sách khuyến công được ban hành, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự ủng hộ của các Bộ, ban ngành, UBND các tỉnh, thành phố, hoạt động khuyến công được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, có hệ thống từ trung ương đến địa phương và đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Giai đoạn 2003 - 2013: Hỗ trợ đào tạo khởi sự doanh nghiệp, đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho 55.577 lượt cán bộ làm công tác quản lý của các cơ sở công nghiệp nông thôn; tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề cho 542.706 lao động, chủ yếu là lao động ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người và một số lao động sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất do quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá ở các tỉnh vùng đồng bằng; hỗ trợ xây dựng được 1.154 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, sử dụng công nghệ hiện đại; hỗ trợ 2. 010 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào các khâu của quá trình sản xuất; bình chọn được gần 600 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực; hỗ trợ hơn 7.000 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm trong nước để quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại khác v.v…

Giai đoạn 2014 - 2020: Thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong 6 năm triển khai các hoạt động khuyến công, tổng các nguồn kinh phí khuyến công đã thực hiện là 1.737,73 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia là 755,71 tỷ đồng (chiếm 43,49% tổng kinh phí), kinh phí khuyến công địa phương là 982,011 tỷ (chiếm 56,51% tổng kinh phí), đồng thời thu hút được từ các nguồn khác và nguồn vốn đối ứng của các cơ sở CNNT tham gia thụ hưởng kinh phí ước khoảng hơn 9.500 tỷ đồng. Đây là con số đáng ghi nhận về hiệu quả đầu tư của chương trình, đặc biệt ở nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp. Chương trình khuyến công quốc gia đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho trên 18.000 lao động nông thôn, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%; hỗ trợ đào tạo khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, điều hành sản xuất cho gần 14.000 học viên... hỗ trợ tổ chức 12 cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 03 cuộc bình chọn cấp quốc gia; tôn vinh 950 sản phẩm cấp khu vực và 312 sản phẩm cấp quốc gia có chất lượng, có tiềm năng phát triển sản xuất; hỗ trợ phát triển 57 cụm công nghiệp các nội dung về lập quy hoạch chi tiết và đầu tư hạ tầng, tạo mặt bằng thu hút sản xuất kinh doanh; tổ chức các hội nghị khuyến công vùng thường niên tại 3 khu vực Bắc - Trung - Nam. Tổ chức 18 đoàn công tác học tập, nghiên cứu chính sách phát triển công nghiệp địa phương tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, một số nội dung hoạt động đã vượt chỉ tiêu tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg như: hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới (tăng 30,5%); hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (tăng 31,88 %); hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm (tăng 200%).

Giai đoạn 2021 đến nay: Bước sang thập kỷ 20 của thế kỷ 21, kinh tế thế giới và trong nước trải qua những diễn biến phức tạp, mang nhiều yếu tố bất lợi khi đối mặt với dịch bệnh và thiên tai. Năm 2021, đại dịch Covid-19 và thiên tai tại một số tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là bão lũ tại khu vực miền Trung đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn chịu ảnh hưởng đáng kể. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, Cục CTĐP đã có các văn bản điều hành, chỉ đạo Sở Công Thương, trung tâm khuyến công các tỉnh và tổ chức dịch vụ khuyến công trên cả nước kịp thời áp dụng các giải pháp thông qua chính sách khuyến công để hỗ trợ tối đa, kịp thời và có hiệu quả thiết thực đối với các cơ sở CNNT giúp họ ứng phó với các diễn biến tiêu cực của dịch bệnh, thiên tai, khôi phục sản xuất, đứng vững trên thị trường. Kết quả trong 2 năm (2021, 2022), Chương trình khuyến công đã hỗ trợ 23 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, ứng dụng vào các khâu sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường cho 489 cơ sở công nghiệp nông thôn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu; giảm thiểu ô nhiễm môi trường hoặc tạo ra sản phẩm mới so với máy móc thiết bị cơ sở sản xuất đang sử dụng; tổ chức bình chọn, chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cho 200 sản phẩm cấp quốc gia; 465 sản phẩm cấp khu vực; hỗ trợ 18 cơ sở có sản phẩm đạt giải sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia đầu tư các phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ tư vấn, trợ giúp cho 24 cơ sở CNNT tổ chức đánh giá hiện trạng và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thị trường, tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm. Hỗ trợ tổ chức 02 hội nghị về hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hỗ trợ ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc cho 20 cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng được 10 bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 6 cụm CN-TTCN tại các địa bàn khó khăn để thu hút đầu tư, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong các làng nghề;

Bên cạnh đó, chương trình khuyến công hỗ trợ xây dựng chương trình truyền hình về khuyến công, công thương địa phương phát sóng trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam; hỗ trợ các báo, tạp chí, xuất bản bản tin khuyến công,… nhằm tuyên truyền, quảng bá về hoạt động khuyến công, thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp địa phương; tạo cầu nối cho việc tiêu thụ sản phẩm và cung cấp sản phẩm CNNT ra thị trường trong và ngoài nước...

Hoạt động khuyến công ngày càng đa dạng, nhiều nội dung mới được triển khai thực hiện, phù hợp với nhu cầu của các cơ sở CNNT. Quy mô, chất lượng đề án khuyến công từng bước được nâng cao; công tác tổ chức thực hiện, quản lý đề án của các đơn vị/tổ chức dịch vụ khuyến công và các đơn vị, cơ sở CNNT trực tiếp thực hiện đề án khuyến công ngày càng tốt hơn.

Phấn đấu thực hiện đạt và vượt một số mục tiêu

Phát triển công nghiệp nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại; tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần xây dựng nông thôn mới là mục tiêu lâu dài và nhất quán được Cục Công Thương địa phương triển khai thực hiện và tiếp tục đẩy mạnh thông qua công tác khuyến công. Giai đoạn 2021 - 2025, hoạt động khuyến công tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ với các mục tiêu cụ thể nhằm tạo động lực cho phát triển công nghiệp nông thôn trong giai đoạn mới: huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm CNNT và hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong các sản phẩm công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu. Do đó, Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, cũng sẽ tập trung tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, với những định hướng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra, công tác khuyến công sẽ tiếp tục từng bước đổi mới theo hướng kết hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp, theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác khuyến công, ngày 19/02/2021 Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT về việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển CNNT giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu xây dựng được 340 mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ; ứng dụng được 1.600 máy móc thiết bị và 300 dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất CN - TTCN; đánh giá sản xuất sạch hơn cho 300 cơ sở CNNT; xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn cho 100 cơ sở CNNT; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 cơ sở CNNT; hỗ trợ 350 cơ sở CNNT xây dựng, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 50 CCN; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho khoảng 60 CCN; hình thành cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; đào tạo nghề nghiệp cho 10.000 lao động theo nhu cầu của các cơ sở CNNT gắn với yêu cầu của thị trường…

Qua 20 năm triển khai các hoạt động khuyến công, mặc dù nguồn kinh phí chưa đáp ứng nhu cầu thực tế nhưng đã tạo động lực khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp ở nông thôn; tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở địa phương, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước “ly nông, bất ly hương”. Đặc biệt, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương gia tăng đáng kể, góp phần nâng cao tỷ trọng công nghiệp nông thôn trong toàn ngành; tăng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương; đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo và ổn định dân sinh ở nông thôn…

QLKC-CTĐP

 

Tin đã đăng