Sản lượng truyền tải 8 tháng đầu năm 2010 toàn hệ thống là 54.123 GWh, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2009. Dự báo, giai đoạn 2010- 2012, công suất và sản lượng điện truyền tải tiếp tục tăng cao.


Khó khăn lớn nhất của lưới điện truyền tải quốc gia hiện nay là chưa có khả năng dự phòng. Lưới điện truyền tải 500kV Bắc Nam và các đường dây 220 kV thường xuyên vận hành trong trạng thái đầy và quá tải. Điều đó dẫn đến tăng tổn thất và nguy cơ sự cố trên hệ thống. Bên cạnh đó, lưới điện truyền tải chưa đảm bảo được được yêu cầu an toàn theo tiêu chuẩn n-1, đặc biệt, tại những khu vực quan trọng như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh

Loay hoay bài toán thiếu vốn.

Theo tính toán của Viện Năng lượng, nhu cầu đầu tư lưới điện truyền tải quốc gia giai đoạn 2010- 2015 lên tới gần 10 tỷ USD, bình quân mỗi năm cần gần 2 tỷ USD, gấp 5-7 lần so với mức đầu tư trong giai đoạn 2006- 2010. Hiện nay, NPT đã vay được 866 triệu USD và 18.000 tỷ đồng vốn trong nước, cần thu xếp thêm 55.000- 64.000 tỷ đồng, chưa kể nguồn vốn dành cho trả nợ gốc và lãi khoảng 25.000 tỷ đồng. Để có nguồn vốn này, NPT đã huy động các nguồn vốn ODA, WB, ADB, vốn thương mại trong nước...

Tuy nhiên, khó khăn nhất của NPT hiện nay là thiếu vốn đối ứng. Bởi vì, theo quy định mới của Bộ Tài chính, phải đảm bảo 20% vốn đối ứng, trong khi NPT chỉ có thể đáp ứng 10%. Việc vay vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế có thuận lợi là số lượng vay lớn, lãi suất tương đối thấp, thời gian ân hạn và trả nợ dài nhưng doanh nghiệp phải hoàn thành giải ngân đúng hạn, đáp ứng các điều kiện môi trường, đền bù giải tỏa hoàn chỉnh trước khi khởi công. Đặc biệt là phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về tài chính như tỷ lệ tự đầu tư không dưới 25%, tỷ lệ thanh toán nợ không dưới 1,5 lần, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu không quá 2,33 lần. Đây là những điều kiện rất khó trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay.

Ngoài ra, do giá trị gói thầu rất lớn, nhà thầu trong nước không được quan hệ trực tiếp về tổ chức và tài chính với chủ đầu tư nên cơ hội tham gia của các nhà thầu phụ trong nước bị hạn chế. Hơn nữa, thời gian hoàn thành thủ tục vay vốn kéo dài nên các công trình cấp bách hoặc phát sinh phải huy động từ nguồn khácNguồn vốn thương mại trong nước tuy linh hoạt hơn nhưng lãi suất cao, thời gian ân hạn và trả nợ ngắn và khó vay với số lượng nhiều, nhất là công trình có giá trị 2000 tỷ đồng trở lên. Hiện tại, với 116 tổ chức tài chính tín dụng trong nước, chỉ có 4 Ngân hàng lớn có khả năng cho NPT vay 1 công trình với giá trị từ 1500 tỷ đồng trở lên, các Ngân hàng khác phải hợp vốn.

Mặt khác, với tổng vốn điều lệ 7.200 tỷ đồng, toàn bộ các khoản vay vượt quá 3 lần tương ứng với 21.600 tỷ đồng, NPT đều phải xin phép trong khi tổng dư nợ hiện nay của NPT đã xấp xỉ giá trị này. Nếu huy động tín dụng từ các nhà cung cấp thiết bị, tín dụng song phương… thì phải chịu yêu cầu tỷ lệ xuất xứ thiết bị từ nước cho vay (50% đối với vay NIB) hoặc chỉ định thầu cho nhà cấp hàng. Vì vậy, về cơ bản, các nguồn vay này chỉ thích hợp cho các công trình cấp bách, cần phải chỉ định thầu

Gian nan giải phóng mặt bằng

Giải phóng mặt bằng thi công cũng là vấn đề vô cùng nan giải. Hầu hết các đề án quy hoạch điện đều chưa chỉ ra được vị trí cụ thể của trạm biến áp và hành lang tuyến lưới điện nên việc tìm quỹ đất rất khó khăn.

Hậu quả là rất nhiều công trình đầu tư bị chậm, trong đó có những công trình trọng điểm như trạm 500kV Hiệp Hòa (trong đề án quy hoạch là trạm 500kV Sóc Sơn, sau nhiều lần chuyển địa điểm, nay đến vị trí cuối cùng là trạm Hiệp Hòa, tiến độ đầu tư bị chậm, mặc dù đã giao nhiệm vụ từ năm 2005 đến nay mới xong mặt bằng, chuẩn bị khởi công).

Việc đầu tư đường dây nhiều mạch chung cột chưa cụ thể, rõ ràng từ quy hoạch đến thực hiện. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn bất cập. Giá đền bù thay đổi hàng năm, sự chênh lệch giá đền bù khá lớn giữa các vùng giáp ranh trong cùng tỉnh, giữa các tỉnh cũng gây khó khăn cho đền bù.

Đặc biệt, hiện nay nhiều dự án nguồn chậm tiến độ tới 4-5 năm. Nếu đầu tư lưới truyền tải đồng bộ theo quy hoạch được duyệt sẽ dẫn tới khối lượng đầu tư rất lớn, khó khả thi. Công tác tư vấn xây dựng điện, năng lực nhà thầu còn nhiều bất cập cũng là những trở ngại lớn mà nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về vốn đầu tư nên không thể chủ động trong việc lựa chọn tư vấn, lựa chọn nhà thầu.

Việc đầu tư các trạm thường tiến hành theo nhiều giai đoạn khác nhau thông qua đấu thầu đã dẫn tới không đồng bộ trong hệ thống thiết bị, khó khăn cho việc tiết kiệm dự phòng cũng như quản lý vận hành và nâng cấp, nhất là vấn đề sử dụng công nghệ điều khiển máy tính hiện nay, việc mở rộng trang thiết bị rất khó khăn và không tránh khỏi việc chỉ định thầu

Lưới điện truyền tải phải đi trước một bước

Với mục tiêu đầu tư lưới điện truyền tải đi trước một bước phục vụ thị trường điện cạnh tranh, giai đoạn 2008- 2009, NPT đã đưa vào vận hành 92 công trình. Năm 2010 phấn đấu đóng điện 50- 60 công trình (đến nay đã đóng điện 24 công trình), trong đó có những công trình rất quan trọng như đường dây 500kV Quảng Ninh- Thường Tín; đường dây 500kV Sơn La- Hòa Bình- Nho Quan để tải điện từ Nhà máy thủy điện Sơn La.

Toàn bộ các công trình lưới đồng bộ với các nhà máy đều đóng điện đúng tiến độ, đảm bảo truyền tải hết công suất vào hệ thống điện quốc gia như các công trình đồng bộ với nhà máy thủy điện A Vương, Hạ Sông Ba, Quảng Ninh, khu vực Tây Nguyên, Ô Môn…. Bên cạnh đó, hàng loạt các công trình đảm bảo điện cho các khu vực quan trọng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các công trình chống quá tải đều đóng điện đúng tiến độ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ cung cấp điện thời gian qua.

Năm 2011, NPT phấn đấu sản lượng truyền tải đạt 93-95 tỷ kWh, đến năm 2015 đạt 160-180 tỷ kWh, tăng gấp đôi so với năm 2010, tổn thất đạt mức 2,5-3%, giảm thiểu tối đa sự cố. Hiện NPT đang đầu tư đồng bộ các công trình đấu nối nguồn điện vào hệ thống điện quốc gia và các công trình 220-500kV truyền tải công suất và điện năng từ hệ thống điện quốc gia cho lưới điện phân phối hợp lý, hiệu quả; Nâng cao độ tin cậy của lưới điện truyền tải các khu vực trọng điểm và thành phố lớn; Phối hợp đấu nối lưới điện truyền tải khu vực tiểu vùng sông Mêkông để tăng cường trao đổi điện.

Để đạt được những kết quả trên, NPT kiến nghị Chính phủ hoặc đơn vị được Chính phủ ủy quyền bảo lãnh cho các khoản vay của NPT. Với nguồn ODA, NPT được vay lại như lãi suất của nước ngoài cho Chính phủ Việt Nam vay. Miễn thu thuế sử dụng đất khi giao đất xây dựng các công trình lưới điện truyền tải. Chuyển chủ đầu tư các dự án vay vốn ODA từ EVN sang cho NPT. Các Ngân hàng thương mại cho NPT vay vượt 15% vốn tự có để bảo đảm vốn đầu tư. Các địa phương thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng để tạo thuận lợi cho việc thi công công trình, đảm bảo tiến độ các công trình lưới điện truyền tải quốc gia.
 

Ngọc Loan