Từ nguồn kinh phí trên, Sở Công Thương Bình Định đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tập trung thực hiện các hoạt động: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới và hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Các đề án, chương trình khuyến công được xây dựng chặt chẽ, chính xác đúng đối tượng, đúng nội dung phối hợp với nhiều biện pháp đồng bộ như: Tăng cường công tác tuyên truyền; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ làm công tác khuyến công; hỗ trợ đăng ký xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có dự án đầu tư thuận lợi trong thực hiện chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật (TDKT); tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tham gia chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu các cấp...
Theo đánh giá chung, các đề án hỗ trợ xây dựng mô hình TDKT, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất đã thu hút các doanh nghiệp, cơ sở CNNT tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt và ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường; việc triển khai các hoạt động khuyến công với nội dung phong phú, đa dạng đã động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất mạnh dạn đầu tư đổi mới nâng cao công nghệ, hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất, tạo nền tảng để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, với việc hỗ trợ cơ sở CNNT tăng cường tham gia các hội chợ, triển lãm đã góp phần quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Điển hình là Cơ sở sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ Nguyễn Thị Sương ở xã An Hòa, huyện An Lão. Do Cơ sở chỉ có 4 thợ làm nghề thủ công nên số lượng sản phẩm làm ra còn hạn chế. Cơ sở được hỗ trợ thực hiện đề án “Hỗ trợ máy móc thiết bị trong sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ” với tổng kinh phí thực hiện trên 600 triệu đồng, trong đó, kinh phí khuyến công Tỉnh hỗ trợ 145 triệu đồng. Sau khi triển khai, máy chạm khắc gỗ có thể chạm khắc cùng lúc 8 sản phẩm với chất lượng tương đối đồng đều; những sản phẩm đơn giản không cần phải chỉnh sửa, rút ngắn được thời gian, giảm chi phí khá nhiều so với làm thủ công.
Cơ sở kinh doanh nông sản Quang Vũ (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) được hỗ trợ 90 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công của Tỉnh đầu tư máy sấy lúa công suất 01 tấn lúa/giờ, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, lúa sấy không có mùi, đều hạt, không gây ô nhiễm môi trường so với việc sấy lúa bằng nhiên liệu củi, than đá, lại ít tiêu hao điện năng, hiệu quả tăng rõ rệt.
Theo Lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Định: Năm 2018, kinh phí khuyến công địa phương được phê duyệt sớm đã tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động khuyến công. Các đề án đã góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn, và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
TBT