Bình Phước được coi là “thủ phủ” điều của nước ta. Toàn Tỉnh có khoảng 134.204 ha diện tích trồng điều; diện tích cho thu hoạch là 132.632 ha chiếm gần 50% diện tích của cả nước; tổng sản lượng đạt 152.632 tấn chiếm hơn 50% sản lượng của cả nước.

Số lượng các doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều của Bình Phước hiện có khoảng 200 doanh nghiệp và hơn 400 hộ kinh doanh cá thể, trong đó có 31 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp với tổng công suất đạt khoảng 82.000 tấn/năm.  Hạt điều Bình Phước có ưu thế vượt trội về chất lượng so với hạt điều nhập khẩu đã góp phần đưa cây điều trở thành cây công nghiệp thế mạnh, đem lại giá trị xuất khẩu cao, trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Tỉnh.

Những năm qua, năng lực sản xuất của các cơ sở chế biến điều của Bình Phước đã được nâng lên một cách rõ rệt, số lượng các chủ cơ sở sản xuất có trình độ được đào tạo ngày càng tăng, sự am hiểu về pháp luật trong sản xuất kinh doanh đã được các chủ cơ sở chú trọng đầu tư nâng cao, việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ quản lý hiện đại trong sản xuất đã được các chủ cơ sở chú trọng đầu tư. Chất lượng lao động có trình độ tay nghề làm việc trong các cơ sở chế biến điều ngày càng được cải thiện. Các cơ sở chế biến điều đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, chế biến, từng bước thay thế lao động thủ công nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đã có rất nhiều cơ sở chế biến chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua hệ thống quản lý ISO, HACCP, GMP đồng thời đăng ký, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa.

Tuy nhiên, từ thực tiễn về phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn, việc phát triển ngành điều của Bình Phước cùng còn có nhiều khó khăn, để hỗ trợ ngành điều của Tỉnh phát triển hoạt động khuyến công giai đoạn 2010 - 2017 đã tập trung hỗ trợ cho 53 cơ sở CNNT, với kinh phí hỗ trợ gần 9,428 tỷ đồng, trong đó: Hỗ trợ xây dựng 03 mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hạt điều xuất khẩu; hỗ trợ ứng dụng 04 máy phân loại màu, 14 hệ thống máy bóc vỏ lụa hạt điều, 04 hệ thống nồi hơi dùng xử lý hạt điều thô, 25 máy cắt tách hạt điều trong dây chuyền chế biến hạt điều xuất khẩu trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đào tạo 11 lớp học cho 335 lao động cho 06 doanh nghiệp chế biến điều và tổ chức được 02 Hội nghị chuyên ngành điều.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn 2010 - 2017, Khuyến công Bình Phước luôn xác định rõ mục tiêu ưu tiên đầu tư, hướng các hoạt động khoa học và công nghệ vào sản xuất phục vụ cho các ngành công nghiệp của tỉnh, trong đó có ngành chế biến điều, một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước đã xây dựng đề án khuyến công quốc gia điểm về “Hỗ trợ cơ sở CNNT nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hạt điều sau chế biến giai đoạn 2018 - 2020”, với tổng kinh phí thực hiện dự kiến 40,870 tỷ đồng, trong đó: Kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 9,3 tỷ đồng; kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 3 tỷ đồng; nguồn đối ứng của đơn vị thụ hưởng 28,57 tỷ đồng.

Triển khai thực hiện đề án điểm sẽ tạo điều kiện giúp cho các cơ sở CNNT trong ngành điều tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong quy trình sản xuất - chế biến; nâng cao năng lực quản lý, tiếp cận thị trường xuất, nhập khẩu cho doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế… Đồng thời, nhân rộng mô hình, tuyên truyền chính sách khuyến công rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, khuyến khích các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường góp phần phát triển ngành chế biến điều theo hướng bền vững. Cụ thể: Tổ chức 02 lớp đào tạo nâng cao tay nghề chế biến hạt điều cho các cơ sở CNNT nhằm giúp nâng cao nhận thức và tay nghề cho 60 lao động góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở địa bàn nông thôn, thực hiện phân công lại lao động theo hướng công nghiệp hóa nông thôn; Tổ chức 02 lớp đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho khoảng 60 lượt cán bộ quản lý của các cơ sở CNNT chế biến điều, góp phần nâng cao năng lực lực sản xuất, năng lực quản lý, năng lực kinh doanh cho các cơ sở chế biến điều; Xây dựng 02 mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới; hỗ trợ cho 45 cơ sở CNNT trong lĩnh vực chế biến điều xuất khẩu ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất chế biến, thay thế lao động thủ công bằng máy móc thiết bị hiện đại, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất; Tổ chức 01 Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện đề án khuyến công điểm giai đoan 2018 - 2020 nhằm tổng hợp đánh giá các mục tiêu đạt được của đề án, những mặt đạt được, chưa đạt được, đề ra phương hướng nhiệm vụ trong những năm tiếp theo để phát triển ngành chế biến điều theo hướng bền vững.

Theo Quyết định số 1559/QĐ-UBND ngày 30/3/2016 của UBND tỉnh Bình Phước về việc phê duyệt đề án phát triển bền vững ngành điều, mục tiêu đến năm 2020: Phát triển các cơ sở chế biến lớn, thiết bị và công nghệ hiện đại có năng lực chế biến #1.000 tấn sản phẩm/năm. Trong đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có công suất thiết kế > 10.000 tấn/năm. Nâng công suất chế biến các nhà máy chế biến lên khoảng 350.000 tấn/năm, đảm bảo chế biến hết khoảng 90% sản lượng điều của tỉnh (bao gồm cả nhập khẩu); khuyến khích các cơ sở chế biến hạt điều tự động hóa khâu cắt tách vỏ cứng hạt điều và bóc vỏ lụa nhân điều, các khâu khác thuộc dây chuyền chế biến nhân điều cũng được cơ giới hóa và tự động hóa khép kín; 80 % cơ sở chế biến hạt điều được cấp giấy chứng nhận quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn: ISO, HACCP, GMP,...; đến năm 2020, có 100 % cơ sở chế biến được cấp giấy chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn về nhân điều xuất khẩu và 20% sản phẩm nhân điều và 50% dầu vỏ hạt điều chế biến sâu…

TBT

Tin đã đăng